Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thị trường giao sau - Futures Market

Lược sử và tên gọi thị trường giao sau

1- Lịch sử thị trường giao sau

Người ta đã tìm thấy dấu vết, nguồn gốc của TTGS ngay từ thời Trung cổ tại Châu Âu, đó là mối quan hệ được hình thành giữa thương nhân và nông dân. Vào những năm mất mùa, người nông dân trữ hàng làm giá cả tăng cao, điều này gây khó khăn cho giới thương nhân. Ngược lại, khi bội thu, giới thương nhân lại dìm giá xuống, gây khó khăn cho người nông dân. Để tránh tình trạng đó, thương nhân và người nông dân đã gặp nhau trước mỗi vụ mùa để thỏa thuận giá cả trước. Như vậy, rủi ro về giá của cả hai bên đã được giải quyết. 
Tuy nhiên, TTGS đầu tiên trên thế giới ra đời tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ).
Vào thập niên 40 thế kỷ XIX, Chicago đã trở thành một trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ. Cũng trong thời gian đó, máy gặt McCormick đã được phát minh, giúp cho năng suất sản xuất lúa mì tại Mỹ tăng lên rất nhanh chóng. Do đó, những người nông dân trồng lúa mì từ khắp nơi đều quy tụ về Chicago để bán sản phẩm của họ. Dần dần, hoạt động này trở nên sôi nổi đến mức hầu như không đủ nhà kho chứa lúa mì của nông dân. Ngoài ra, sự tồn tại những phương pháp nghèo nàn trong việc cân và phân loại hàng hóa đã đẩy người nông dân vào tình thế phải chịu sự định đoạt củacác thương nhân. 
Tình hình có vẻ khả quan hơn, khi vào năm 1848, một trung tâm giao dịch The Chicago Board of Trade (CBOT) đã được thành lập. Ở đó, người nông dân và các thương nhân có thể mua bán trao ngay tiền mặt và lúa mì theo tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng do CBOT qui định. Nhưng các giao dịch ở CBOT bấy giờ chỉ dừng lại ở hình thức của một chợ nông sản vì hình thức mua bán chỉ là nhận hàng – trao tiền đủ, sau đó thì quan hệ các bên chấm dứt. Trong vòng vài năm, một kiểu hợp đồng mới xuất hiện dưới hình thức là các bên cùng thỏa thuận mua bán với nhau một số lượng lúa mì đã được tiêu chuẩn hóa vào một thời điểm trong tương lai. Nhờ đó, người nông dân biết mình sẽ nhận được bao nhiêu cho vụ mùa của mình, còn thương nhân thì biết được khoản lợi nhuận dự kiến. Hai bên ký kết với nhau một hợp đồng và trao một số tiền đặt cọc trước gọi là “tiền bảo đảm”. Quan hệ mua bán này là hình thức của hợp đồng kỳ hạn (forward contract). Nhưng không dừng lại ở đó, quan hệ mua bán ngày càng phát triển và trở nên phổ biến đến nỗi ngân hàng cho phép sử dụng loại hợp đồng này làm vật cầm cố trong các khoản vay. Và rồi, người ta bắt đầu mua đi bán lại trao tay chính loại hợp đồng này trước ngày nó được thanh lý. Nếu thương nhân không muốn mua lúa mì thì họ có thể bán lại cho người khác cần nó hoặc người nông dân không muốn giao hàng thì họ có thể chuyển nghĩa vụ của mình cho người nông dân khác. Giá cả hợp đồng lên xuống dựa vào diễn biến của thị trường lúa mì. Nếu thời tiết xấu xảy đến, thì người bán lại hợp đồng đó sẽ thu được nhiều lãi vì nguồn cung hàng đang thấp đi nên giá hợp đồng sẽ tăng; nếu vụ mùa thu được nhiều hơn sự mong đợi thì người bán hợp đồng sẽ mất giá vì người ta có thể trực tiếp mua lúa mì trên thị trường tự do. Cứ như thế, các quy định cho loại hợp đồng này ngày càng chặt chẽ và người ta quên dần việc mua bán hợp đồng kỳ hạn lúa mì mà chuyển sang lập các hợp đồng giao sau (HĐGS) lúa mì. Vì chi phí cho việc giao dịch loại hợp đồng mới này thấp hơn rất nhiều và người ta có thể dùng nó để bảo hộ giá cả cho chính hàng hóa của họ. Từ đó trở đi, những người nông dân có thể bán lúa mì của mình bằng cả 3 cách: trên thị trường giao ngay, trên thị trường kỳ hạn (forward) hoặc tham gia vào TTGS (futures). 
Lịch sử phát triển của TTGS không dừng lại ở đó. Đến năm 1874, The Chicago Produce Exchange được thành lập và đổi tên thành Chicago Mercantile Exchange (CME), giao dịch thêm một số loại nông sản khác và trở thành TTGS lớn nhất Hoa Kỳ. 
Năm 1972, CME thành lập thêm The International Monetary Market (IMM) để thực hiện các loại giao dịch HĐGS về ngoại tệ. Sau đó, xuất hiện thêm các loại HĐGS tài chính khác như HĐGS tỉ lệ lãi suất (Interest rates), HĐGS về chỉ số chứng khoán… 
Ngày nay, TTGS đã vượt xa khỏi giới hạn của hợp đồng nông sản ban đầu, nó trở thành công cụ tài chính để bảo vệ các loại hàng hóa truyền thống và cũng là một trong những công cụ đầu tư hữu hiệu nhất trong ngành tài chính. TTGS hiện nay hoạt động liên tục thông qua hệ thống Globex nối liền 12 trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Sự thay đổi giá cả của các loại hàng hóa chuyển biến từng giây một và gây ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế của một quốc gia mà cả khu vực và toàn thế giới.
2- Tên gọi
Thuật ngữ HĐGS xuất phát từ thuật ngữ Commodities Futures Contract (Hợp đồng mua bán hàng hóa giao sau). Người ta gọi tên cho loại thị trường này là Commodities Futures Market hoặc Futures Market. Dần dần, trong các tài liệu chỉ sử dụng thuật ngữ Futures để chỉ loại thị trường hoặc loại hợp đồng này. Điểm lưu ý là Futures luôn có “s” ở cuối từ. Trong một số tài liệu ở trong nước có lẽ do sai sót in ấn hay nhầm lẫn đã sử dụng là Future, như vậy là sai so với thuật ngữ quốc tế. Hiện nay, các tài liệu trong nước có rất nhiều cách gọi cho loại hợp đồng này, cụ thể như : hợp đồng Future, hợp đồng Futures, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau… và khi gọi tên thị trường này thì cũng nhiều tên gọi khác nhau tương tự. 
Việc có nhiều cách gọi khác nhau cùng để chỉ một thuật ngữ là một điều bình thường, đặc biệt là trong các thuật ngữ kinh tế. Nhưng trong lãnh vực pháp lý đòi hỏi phải có một thuật ngữ chung, sử dụng thống nhất, giúp cho việc tiếp nhận thông tin nhanh chóng từ người sử dụng thuật ngữ đến người tiếp nhận, tránh tình trạng hiểu sai. 
Theo pháp luật Việt Nam qui định thì chỉ sử dụng thuật ngữ có phiên âm nước ngoài khi chưa có thuật ngữ thay thế hoặc chưa được Việt hóa. Vì vậy các văn bản pháp lý sẽ chỉ sử dụng các thuật ngữ tiếng Việt. Chúng tôi nhận thấy việc sử dụng thuật ngữ dịch từ thuật ngữ nước ngoài hiện nay ở Việt Nam có sự tham khảo bởi nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thuật ngữ “hợp đồng tương lai” chẳng qua là do dịch từ Future, nhưng như đã nói, thuật ngữ quốc tế sử dụng là Futures. Các nước nói tiếng Pháp thì sử dụng thuật ngữ “le contrat à terme” để chỉ “futures contract”; “le contrat à terme ferme” để chỉ cho “forward contract”. Khi dịch các thuật ngữ trên sang tiếng Việt, do không có sự thống nhất nên dẫn đến có hai cách gọi là “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng giao sau” cho cả hai loại hợp đồng này; không có sự tách bạch cụ thể, đâu là “hợp đồng giao sau”, đâu là “hợp đồng kỳ hạn”. Hiện nay, các nhà kinh doanh thì gọi “hợp đồng kỳ hạn” để chỉ cho cả hợp đồng futures và hợp đồng forward. Còn các nhà nghiên cứu, các sách, giáo trình tài chính thì sử dụng thuật ngữ “hợp đồng kỳ hạn” cho loại Forward contract – le contrat à terme ferme; “hợp đồng giao sau” cho thuật ngữ Futures contract – le contrat à terme. Mặt khác, trong các đề tài nghiên cứu, văn bản của Viện Thương mại, Bộ Thương mại trình Chính phủ cũng sử dụng thuật ngữ “thị trường giao sau”, “hợp đồng giao sau” để chỉ cho loại quan hệ này, nên chúng tôi cũng lựa chọn thuật ngữ này trong đề tài nghiên cứu của mình. 
Tham khảo thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung