Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

CSGT Hồ Lưu Luyến bị mất chức

Ngày 12-5-2013, ông TNK, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Ba Ngòi, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết:
Ông đã gửi đơn “tố” Trung tá Hồ Lưu Luyến, Trạm phó Trạm CSGT Cam Ranh (thuộc Phòng CSGT Công an Khánh Hòa), thường xuyên bắt ông trả tiền các độ nhậu tiếp khách của ông Luyến.
Theo ông K., doanh nghiệp của ông có hơn 10 đầu xe tải chạy đường dài nên ông rất “biết điều” với lực lượng CSGT, đặc biệt là với Trung tá Luyến.
“Vì tôi luôn tỏ ra “biết điều” nên ông Luyến hay mời tôi nhậu nhưng thực chất là gọi tôi đến để trả tiền cho các độ nhậu của ông ấy. 
Mỗi lần thấy tên ông Luyến hiện lên trong điện thoại là tôi phải chuẩn bị tiền đến một quán nhậu nào đó để trả, riết thành quen. 
Những lần tính tiền nhậu cho ông Luyến trước đây khi thì 2 triệu đồng, lúc 5 triệu đồng, cùng lắm là 5 triệu đồng tôi chấp nhận được. 
Tuy nhiên, ngày 10-1-2013, tôi “xanh mặt” với cái hóa đơn hơn 13,3 triệu đồng cho chầu nhậu tiếp khách của ông Luyến” - ông K. nói.
Theo ông K., trưa 10-1-2013, ông nhận điện thoại của ông Luyến rủ đến một quán nhậu ở phường Cam Linh, TP Cam Ranh. Đến nơi, ông hết hồn với phiếu tính tiền hơn 13,3 triệu đồng cho ba chai Chivas 21 (mỗi chai 2,7 triệu đồng), một con chồn nặng 3,7 kg với giá gần 5 triệu đồng.

Dù số tiền quá hớp nhưng ông phải bấm bụng trả rồi lấy hóa đơn đỏ ra về.

Ông K. chua chát:
“Không ai lấy tiền mình làm ra một cách chân chính mà nhậu tốn kém kiểu này cả”.
Theo ông K., dù xót của nhưng ông vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nhưng chỉ năm ngày sau cuộc nhậu “khủng” trên, số điện thoại của Trung tá Luyến lại hiện lên trong máy điện thoại của ông.

Lần này ông Luyến thông tin là Trạm CSGT Cam Ranh đang sửa chữa, đề nghị ông ủng hộ thêm 13-14 triệu đồng!

Chịu hết xiết cách nhũng nhiễu của vị CSGT, ngày 16-1-2013, ông K. làm đơn trình bày toàn bộ vụ việc gửi đến trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa.
“Tôi không muốn làm được bao nhiêu lại cứ è cổ trả tiền nhậu của người khác nên quyết định viết đơn để phản ánh cho lãnh đạo CSGT chấn chỉnh” - ông K. cho biết.
Được biết sau khi nhận đơn, Phòng CSGT và Thanh tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã cử cán bộ đi xác minh. Công an đã gặp ông K., gặp chủ quán nhậu để tìm hiểu sự việc. “
Tuy nhiên, sau khi họ đến gặp và tôi xác nhận mình là người làm đơn thì từ đó đến nay tôi không nhận được thông tin phản hồi nào từ công an về vụ việc này” - ông K. cho biết.
Ngoài vụ việc trên, theo phản ánh của một số lái xe tải tuyến Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, Trung tá Luyến đã tích cực “vận động” cánh tài xế xe tải vào ăn cơm, đổ xăng tại quán Hương Thu và cây xăng Hội Thu liền kề trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bằng cách đưa card visit cho các lái xe vào đổ xăng, ăn cơm, mua bảo hiểm.

Theo một nguồn tin, cây xăng và quán cơm trên do người nhà ông Luyến đầu tư.
Ngày 8-7-2013, Công an tỉnh Khánh Hòa đã kết luận bước đầu về vụ Trung tá Hồ Lưu Luyến - nguyên Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát giao thông Cam Ranh bị tố ép doanh nghiệp (DN) trả tiền nhậu, dùng số điện thoại cá nhân in trên danh thiếp giới thiệu quán cơm, cây xăng để “tiếp thị”
Tổ xác minh cho rằng việc ông K. trả tiền cuộc nhậu hơn 13 triệu đồng là do ông K. tự ý. 
Theo Trung tá Luyến, ngày 10-1-2013, nhậu xong do không mang đủ tiền nên ông hẹn chủ quán sẽ trả sau. 
Ngày 17-1-2013, Trung tá Luyến mới biết cuộc nhậu đã được ông K. thanh toán nên yêu cầu chủ quán trả lại cho ông K. nhưng ông K. không nhận. 
Tuy nhiên, theo ông K., sau khi đã trả tiền nhậu, ông tiếp tục được Trung tá Luyến yêu cầu ủng hộ tiền để sửa chữa trụ sở của Đội CSGT Cam Ranh. 
Bức xúc vì bị vòi vĩnh nên ngày 16-1-2013, ông K. đã làm đơn phản ánh. Khi biết ông K. đã gửi đơn, Trung tá Luyến mới làm “động tác” đến trả tiền nhậu và yêu cầu chủ quán mang tiền trả lại cho ông nên ông kiên quyết không nhận.
Cũng theo ông Luyến thì sau khi báo đăng, do bức xúc, bối rối nên khi trao đổi với PV, ông có dùng một số từ như:
“Đây là sự cố, là bài học đắt giá, mong có cơ hội…”. 
Ý của ông là bài học trong quan hệ xã hội, sinh hoạt cá nhân, muốn có cơ hội gặp báo chí để giãi bày chứ không phải là thừa nhận sai !
Việc Trung tá Luyến đã “giúp đỡ” cho cây xăng Hội Thu và quán cơm Hương Thu trên QL1A (Ninh Thuận), bà T., chủ cây xăng cho biết bà quen với vợ chồng Trung tá Luyến nên nhờ giới thiệu người quen đến đổ xăng và ăn cơm.

Số điện thoại in trên danh thiếp giới thiệu cây xăng, quán cơm là do vợ của Trung tá Luyến cho.
Trung tá Luyến cho biết số điện thoại này do ông đứng tên thuê bao và đầu năm 2012, ông đưa cho vợ sử dụng, sau này mới biết vợ mình đem đã cho bà T. 
Tổ xác minh kết luận không có cơ sở xác định Trung tá Luyến lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để ép lái xe vào đổ xăng, ăn cơm hoặc hùn vốn đầu tư.
Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, là đội phó CSGT nhưng Trung tá Luyến thường xuyên gọi một DN vận tải đi nhậu và để cho họ trả tiền đã tạo bức xúc cho DN, gây dư luận xấu ảnh hưởng uy tín lực lượng CSGT, vì vậy cần xử lý nghiêm.

Tổ xác minh đề nghị Đội CSGT Cam Ranh tổ chức kiểm điểm, có hình thức kỷ luật, thu hồi thẻ tuần tra và biển hiệu của Trung tá Luyến, điều động ông Luyến về bộ phận công tác khác.

Công an tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu tổ chức họp rút kinh nghiệm cho toàn thể ban chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Cam Ranh.

Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phan Long Để, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, về việc “tố” của ông K.
Thưa ông, việc ông K. làm đơn trình bày, công an tỉnh có biết, việc xử lý đơn đến đâu rồi? 
+ Thanh tra Công an tỉnh cho rằng chưa có cơ sở nên chuyển lại cho Phòng và chúng tôi thừa nhận là chưa có thông báo hoặc trả lời cho ông K. biết kết quả.
. Nhưng trong phiếu tính tiền ghi rõ tên “A. Luyến CSGT” và hóa đơn đỏ tính tiền cho doanh nghiệp ông K. tại quán nhậu này, sao lại bảo là không có cơ sở? 
+ Tôi nghĩ không có thì ông K. nói làm gì. Không có thì làm sao biết mười mấy triệu, nhậu ở đâu mà mang đến trả. Tuy nhiên, thanh tra đã báo cáo lên giám đốc, cho rằng chưa có cơ sở… Tôi cũng đang nghỉ phép nên chưa giải quyết dứt điểm.
. Thưa ông, vậy Phòng CSGT có nghe các lái xe phản ánh về việc người nhà ông Luyến mở cây xăng, quán cơm trên quốc lộ 1A liền kề nhau tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận và “rải” card visit cho cánh lái xe vào ăn cơm, đổ xăng, mua bảo hiểm? 
+ Chúng tôi chưa nghe tài xế phản ánh nhưng vừa rồi tại Cam Ranh, anh em CSGT có chặn một xe tải vi phạm và lái xe đưa ra card visit in hai mặt một bên là cây xăng, một bên là quán cơm nói rằng mới đổ xăng ở cây xăng ông Luyến. Đối với card visit, tôi đã đưa cho một phó giám đốc công an tỉnh và báo là có trường hợp này đã gây nên dư luận không tốt cho lực lượng CSGT của tỉnh. Ông Luyến có đứng tên cây xăng, quán cơm không thì không biết nhưng chắc là của gia đình… 
Xin cảm ơn ông.
“Sự thật” phía sau?

Trong sự việc trên phải thừa nhận, ông TNK, GĐ doanh nghiệp vận tải đã rất dũng cảm khi lên tiếng tố cáo hành vi nhũng nhiễu của một cán bộ CSGT. Bởi lẽ trong tình cảnh hiện nay, dư luận cho rằng dù rất bức xúc trước những hành vi nhũng nhiễu kiểu như trên, nhưng thường thì các doanh nghiệp sẽ “bấm bụng” cam chịu, chứ không có mấy người dám làm đơn tố cáo. 

“Quan điểm” trên không phải là thiếu cơ sở, bởi lẽ theo một kết quả điều tra từng được công bố, CSGT đứng đầu bảng xếp hạng các ngành có hành vi tiêu cực trong thi hành công vụ. Thế nhưng có thể thấy, rất ít xảy ra trường hợp người dân làm đơn tố cáo lực lượng CSGT, như ông TNK đã làm. Mặc dù, từ xưa tới nay, ngành CA đã có nhiều cố gắng xử lý nội bộ trong ngành. Cụ thể, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các chốt giao thông, các lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến đường; xây dựng “đặc tình” xuống cơ sở phát hiện các cá nhân thoái hóa biến chất để xử lý kỷ luật. Đồng ý rằng, đa số CSGT là tốt, chỉ có một số ít vi phạm, thế nhưng việc lực lượng này đứng đầu danh sách tham nhũng, đã khiến những người tâm huyết với ngành không khỏi buồn lòng. Và cũng thật khó để lý giải một cách cặn kẽ vì sao lại có “nghịch lý” như vậy? 

Tuy nhiên, có thể thấy, “thực trạng” trên bắt nguồn từ 2 phía. Ở phía người dân khi vi phạm luật giao thông, cũng thường xin từ lỗi lớn xuống lỗi bé. Ngược lại, phía người thi hành công vụ, cũng hay “giơ cao đánh khẽ”, rất “tế nhị” đưa ra các mức xử phạt cho người vi phạm “tự chọn” nộp tiền. 

Mặt khác, các vi phạm như bao tuyến làm luật, quay vòng xe, dừng trả đón khách không đúng nơi quy định… không được xử lý triệt để đã khiến dư luận đặt mối nghi ngờ, không hiểu vì sao “hiện tượng” trên lại ngang nhiên tồn tại? Như vậy, cũng lý giải tại sao hình ảnh của CSGT, với quân hàm quân hiệu, đồng phục lẽ ra phải thể hiện vẻ uy nghiêm của lực lượng tuần tra xử lý vi phạm, thì lại bị người dân “nhờn”. Sự việc ở Khánh Hòa phải chăng là một hiện tượng cụ thể, mà doanh nghiệp chịu không nổi, cực chẳng đã mới phải nói ra? Và khi đã phải nói ra sự thật này, họ cũng sẽ chấp nhận sự phản ứng từ những cá nhân tiêu cực của lực lượng chức năng. Trong những sự việc kiểu như vậy, dư luận cũng không loại trừ khả năng có trường hợp người dân đã dùng thủ đoạn, “bồi dưỡng” hối lộ cơ quan bảo vệ pháp luật – đóng phong bì, mời ăn nhậu, để được bỏ qua các hành vi vi phạm pháp luật, có thể là chở quá khổ quá tải, vi phạm tốc độ… 

Nếu vậy, đây chính là việc câu kết giữa người sai phạm với lực lượng xử lý sai phạm để cùng trục lợi – gây hại cho xã hội. Chính những người dân này đã góp phần làm hư hỏng lực lượng CSGT. “Thực trạng” trên kéo dài và phổ biến đến mức không chỉ người dân biết, mà cơ quan Nhà nước cũng biết, nhưng đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung