Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

VietinBank rũ bỏ trách nhiệm

Chiều 10-1-2014, sau bốn ngày chờ đợi sự lên tiếng của đại diện Ngân hàng VietinBank, một đại diện của VietinBank xuất hiện trước tòa và làm ngỡ ngàng những người có mặt.
Người đàn ông này đã trả lời hơn 50 câu hỏi của các luật sư bằng cách... đọc văn bản. Nhấn mạnh trước tòa rằng mình là đại diện của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (VietinBank) nhưng các câu trả lời của ông này là tư cách cá nhân: “Tôi khẳng định tôi đại diện cho Ngân hàng Công thương nhưng tôi trả lời với tư cách cá nhân. Tôi muốn nói rạch ròi điều này để tránh nhầm tưởng tư cách cá nhân giống như Huỳnh Thị Huyền Như khi tham gia thỏa thuận và thực hiện các giao dịch”. 
Liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán nói chung và tài khoản tiền gửi nói riêng, vị đại diện VietinBank cho rằng trách nhiệm của ngân hàng phát sinh theo Luật tổ chức tín dụng, nghị định 64/2001, quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước và các văn bản quy định nghiệp vụ của ngân hàng và theo thỏa thuận của các bên. “Trong tất cả văn bản pháp luật được viện dẫn ở trên, không có định nghĩa về quản lý tài khoản nên không thể nói và không thể trả lời về trách nhiệm quản lý tài khoản” - ông nói. 
Theo lập luận của đại diện VietinBank, trong các văn bản trên có quy định về trách nhiệm của ngân hàng đối với việc mở và sử dụng tài khoản của ngân hàng đối với khách hàng (ví dụ tại điều 12 quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước về ban hành quy chế về mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng đã thực hiện về việc lập hồ sơ mở tài khoản, lập chứng từ giao dịch và các quy định có liên quan trong việc sử dụng tài khoản...) và do đó, theo ông này: “Số dư trên tài khoản là thuộc quyền sở hữu của chủ tài khoản, bởi vậy khách hàng có thể kiểm tra tài khoản trên hệ thống thanh toán tài khoản, được quyền định đoạt số dư đó theo quy định của pháp luật”. 
Còn về trách nhiệm của ngân hàng đối với số dư trên tài khoản của khách hàng được trả lời như sau: “Trách nhiệm của ngân hàng không phải là trách nhiệm quản lý tài khoản hay trách nhiệm với số dư trên tài khoản, mà trách nhiệm cung ứng, kiểm soát các phương tiện thanh toán khi ngân hàng sử dụng số dư trên tài khoản phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận hợp pháp với khách hàng. Trách nhiệm của ngân hàng chỉ phát sinh khi khách hàng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của khách hàng được quy định cụ thể tại điều 10 quyết định 1284”. 
Ông nhấn mạnh: “Việc phát sinh trách nhiệm của VietinBank theo hợp đồng tiền gửi thì hợp đồng đó phải do VietinBank xác lập, đối với những hợp đồng bị giả mạo chữ ký hoặc con dấu thì trách nhiệm của VietinBank đương nhiên không phát sinh”.
Chờ đợi bốn ngày để rồi nhận được câu trả lời với tư cách cá nhân như vậy khiến các luật sư bức xúc. Ngay lập tức một số luật sư đã thể hiện quan điểm của mình bằng những đề nghị với hội đồng xét xử (HĐXX):
 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ba công ty Phúc Vinh, Hưng Yên, Thịnh Phát không đồng tình với cách trả lời này nên yêu cầu HĐXX không chấp nhận tư cách trả lời của vị đại diện VietinBank.
Ngay sau phần ý kiến của luật sư đại diện ba công ty, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn, bị cáo này phủ nhận cáo buộc của cáo trạng về tội danh) cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách của người đàn ông tự xưng là đại diện của VietinBank, bởi các luật sư không hỏi người này với tư cách cá nhân. Còn luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng NaviBank) đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện VietinBank. Luật sư Ngô Đình Trấn (bảo vệ quyền lợi cho Công ty cổ phần dầu khí Thái Bình Dương) xin rút lại các câu hỏi đã đặt ra.
Sau phản đối dữ dội của các luật sư tại tòa, đại diện VietinBank đã nói lại rằng: “Tôi trả lời với tư cách đại diện VietinBank”. 
Tuy nhiên, câu khẳng định thêm này không làm dịu đi sự bức xúc của các luật sư. Ra khỏi phòng xét xử, các luật sư không ngừng bàn tán và thậm chí có luật sư đã nói: “Không khác nào xem diễn hài kịch ở tòa”. Thậm chí, có luật sư đã nói đại diện VietinBank không chỉ coi thường luật sư mà còn coi thường cả HĐXX, xem việc ra tòa như một trò hề!
Ngay sau phần trả lời của đại diện VietinBank và sự phản đối của các luật sư, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu cho rằng phần trả lời của đại diện VietinBank chưa đến được với những câu hỏi yêu cầu phải chứng minh. Thẩm phán Sáu cũng khẳng định vào phần tranh tụng của phiên tòa vào tuần sau thì đại diện VietinBank sẽ phải trả lời các câu hỏi trực tiếp của luật sư.
Trước đó ngày 9-1-2014, trả lời trên một tờ báo điện tử, một lãnh đạo VietinBank khẳng định VietinBank không liên quan tới vụ việc và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tờ báo điện tử dẫn lời ông Hùng nói đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như. Vị lãnh đạo này cho biết tiền các cá nhân, doanh nghiệp gửi qua Huyền Như không hề được cập nhật vào hệ thống của VietinBank. 
Vào phiên thẩm vấn của mình, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích của Ngân hàng ACB) đã nêu bài báo trên và bức xúc đề nghị HĐXX triệu tập ngay ông Phạm Huy Hùng - chủ tịch HĐQT VietinBank - đến tòa. Đây không phải là lần đầu tiên luật sư Tám đưa ra kiến nghị đó mà ngay trong ngày đầu tiên của phiên tòa, luật sư Tám và các luật sư khác đã đưa ra kiến nghị này. Khẳng định những lời nói của ông Hùng trên tờ báo điện tử là thiếu trách nhiệm, luật sư Tám trưng ra tại tòa 32 hợp đồng, 32 sao kê của 17 nhân viên ACB đã ký với VietinBank chứng tỏ tiền của ACB đã vào đến tài khoản của VietinBank. Luật sư này cho rằng: “Đến nay chưa có ai, chưa có đơn vị nào khẳng định những hợp đồng và các bản sao kê này là vô hiệu”. 
(Nguồn: tuoitre

1 nhận xét:

  1. Một số kênh thông tin có đăng, nói Vietinbank không chịu trách nhiệm về việc Huyền Như chiếm đoạt tiền vì nhiều lý do: nguồn gốc gửi không hợp pháp, có ngân hàng đem tiền ủy thác cho các cá nhân gửi vào Vietinbank, để cho Huyền Như chiếm đoạt; Huyền Như đi huy động tiền đã có ý định chiếm đoạt từ đầu, lấy tư cách Vietinbank đi huy động để chiếm đoạt; Huyền Như huy động lãi suất cao, các cá nhân gửi tiền ham lãi suất cao và bị chiếm đoạt…

    Rất nhiều lý do. Nhưng người ta quên mất một điều, cho dù ông A ăn cắp tiền của ông B hay ngược lại, ông A hay B ham lãi suất cao nhưng khi gửi tiền vào Vietinbank rồi, trên tài khoản của ông A hay B rồi thì trách nhiệm quản lý của Vietinbank đối với tài khoản đó là không phải bàn cãi. Ngay cả một kẻ buôn thuốc phiện gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm quản lý nguồn tiền đó như những khách hàng khác, còn cơ quan pháp luật có tịch thu số tiền đó hay không lại là câu chuyện khác.

    Câu chuyện nữa là chi trả lãi suất. Không ai từ chối việc ngân hàng trả lãi suất cao cho mình cả. Người gửi tiền không quan tâm đến việc đúng quy định hay không đúng quy định. Giả sử lãi suất có vượt quy định thì cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của Vietinbank đối với khoản tiền gửi đó của khách hàng.

    Vietinbank có nói khách hàng có trách nhiệm quản lý số dư của mình, ngân hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản. Tôi phải nói thật đó là điều dở nhất. Ý là, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, anh phải tự quản lý thông qua internet banking, mobile banking… để xem, nếu chẳng may bị mất tiền ông phải báo cho ngân hàng ngăn chặn. Nhưng Vietinbank nhầm một chỗ: ngân hàng có hai tư cách.

    Tư cách thứ nhất: đi vay để cho vay, đi vay của dân chúng và cho vay lại dân chúng, khi đi vay thì ông phải quản lý chặt số tiền ông đã vay được. Ông nhận tiền gửi của dân mà ông không quản lý thì lấy đầu nguồn cho người khác vay?

    Tư cách thứ hai: ngân hàng làm nhiệm vụ thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán. Ông A gửi tiền vào ngân hàng, muốn chuyển tiền cho ông B, ông A ra lệnh như thế nào thì ngân hàng thực hiện như vậy một cách chính xác, nếu không chính xác thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

    Với hai tư cách trên, nếu có bàn cãi nào khác đi thì không còn là ngân hàng nữa. Cho dù gì đi nữa, tiền trong tài khoản của người ta, ông để cho nhân viên của ông dùng chứng từ giả để rút, ông phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Có thể người gửi tiền đòi lãi suất cao, nguồn gốc tiền không đúng quy định, nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả Huyền Như chiếm đoạt tiền.

    Nguyên nhân là do lỗ hổng trong quản lý của ngân hàng, vì đã không quản lý chặt chẽ mà để Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền. Nếu để Huyền Như dùng chứng từ giả để rút được, thì bất kể nguồn gốc tiền gửi là đúng pháp luật hay trái pháp luật, trả lãi suất đúng quy định hay sai quy định thì Huyền Như đều rút được ra. Vấn đề ở chỗ đó.

    Người ta đã quên đi trách nhiệm của ngân hàng đối với người gửi tiền, quên đi tư cách của ngân hàng là đi vay để cho vay và cung cấp dịch vụ thanh toán. Mọi tranh cãi về trách nhiệm của ngân hàng trong chuyện này là thừa, vì tranh cãi khác đi thì Vietinbank không còn là ngân hàng nữa.

    Nói tóm lại, câu chuyện xảy ra là gì? Tiền của khách hàng đã chuyển vào tài khoản hợp pháp của ngân hàng rồi, sau đó Huyền Như dùng chứng từ giả để rút ra. Đơn giản vậy thôi.

    Về nguồn gốc tiền gửi lại là chuyện khác. Không có người gửi tiền nào phải chứng minh nguồn gốc tiền của mình cả. Cho dù tiền đó bất hợp pháp hay hợp pháp thì ngân hàng vẫn phải quản lý như nhau. Không thể nói tiền đó có nguồn gốc bất hợp pháp, trả lãi suất sai nên không quản lý. Đơn giản vậy thôi”.

    Trả lờiXóa

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung