Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Thám tử tư

Nghề thám tử ở Việt Nam tuy chưa được pháp luật công nhận là 1 ngành nghề, tuy nhiên nghề này đã phát triển một cách tự phát phục vụ nhu cầu tìm truy tìm chứng cứ, xác minh nhân thân, điều tra ngoại tình ..
Không có giấy chứng nhận, công cụ hỗ trợ, công việc luôn đòi hỏi phiêu lưu, thông minh, bản lĩnh và sẵn sàng chấp nhận tai nạn nghề nghiệp, đó là chân dung những người làm nghề thám tử. 
Họ kiếm sống bằng mồ hôi, thậm chí bằng máu của mình và tự nhận nghề của mình là "nghề chui chân chính".
Luồn lách qua rừng xe cộ, Tuân bám theo một cậu ấm vừa bị mất dấu. "Con mồi" của Tuân nổi tiếng chơi bời lêu lổng. Không ngờ, qua khu vực đèn đỏ, cậu ấm "cắt đuôi", Tuân liền rút điện thoại liên lạc với những thành viên khác trong nhóm, đón lõng "con mồi" tại địa điểm dự kiến. 

Chỉ khi thấy bóng đối tượng cách xa mấy chục mét, Tuân mới thở phào nhẹ nhõm, mang giấy bút ghi lại thông tin.
"Cha mẹ cậu này yêu cầu chúng tôi phải báo cáo chi tiết về tình hình sinh hoạt hằng ngày của con cái họ", Tuân nói.
Nguyễn Văn Huỳnh, nhân viên bảo vệ của một công ty dịch vụ bảo vệ tại TP HCM, được một bà giàu có thuê theo dõi tìm ra chứng cứ ngoại tình của ông chồng già thích chơi trống bỏi.

Bà này còn yêu cầu phải có hình ảnh để "bắt tận tay, day tận trán" và gọi cho bà biết khi chắc chắn địa điểm. Bám theo hàng tuần lễ, rồi cuộc đánh ghen dữ dội của vợ ông diễn ra ngay trong khách sạn Hai Bà Trưng. 
"Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy ớn, phải đi giải quyết những vụ tình ái éo le là tôi ngại", Huỳnh tâm sự.
"Một hãng sản xuất nước giải khát rất biết ơn chúng tôi đấy", một sếp của Công ty bảo vệ nổi tiếng nói. 
Hãng này bị các đại lý tại Đồng bằng sông Cửu Long không trả lại vỏ chai với lý do "bị nước lũ cuốn trôi hết". 
Công ty bảo vệ đã điều tra, thu thập đầy đủ bằng chứng, có quay camera khi các đại lý đang bốc xếp hàng hóa đưa vào lò nấu thủy tinh. 

Không thể chối cãi, các đại lý phải đền tiền và từ lần sau không "để mất chữ tín nữa".

Không ít tai nạn nghề nghiệp xảy ra đối với các thám tử. 
Trần Xuân Nguyên được giao nhiệm vụ bảo vệ một phụ nữ đang bị người tình cũ đe dọa tính mạng. 
Khi xác định tình hình khá nghiêm trọng, Nguyên phải đưa phụ nữ này đi làm, chiều đón về. 

Trong một lần thi hành nhiệm vụ, Nguyên bị người đàn ông và ba tay bặm trợn đuổi theo. 
"May thoát được chứ bình axít họ mang theo định hành hung thì hậu quả khôn lường", Nguyên cười nói.
Nguyên còn kể về một tai nạn nghề nghiệp anh không thể nào quên. 
Vô tình trong lần theo dõi đối tượng, anh bị đoàn kiểm tra 814 quay phim, anh phải giải thích đến "đứt cả lưỡi" mà bà xã vẫn không tin khi thấy anh mặt mày hớn hở, la ó trên sàn nhảy.
Tuân cũng "nếm mùi gậy" khi anh bám theo một đối tượng vào quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ. 

Anh buồn bã cho biết:
"Nếu xảy ra tai nạn nghề nghiệp thì chẳng ai lo, chẳng ai bảo vệ mình. Công an hay nhà báo gặp chuyện còn có thẻ hành nghề chứ tụi em thì...chịu".
Công việc nguy hiểm song đồng lương cũng hạn hẹp. 
Như vụ theo dõi cậu ấm, Tuân và các thành viên được cha mẹ cậu trả công cho mỗi anh em 100.000 đồng/ngày. 
Nhiều trường hợp anh em theo đối tượng vào vũ trường hoặc những chốn ăn chơi thì có khi cả ngày công đi toi. 
"Nghề ăn vào máu rồi, đành chấp nhận chứ sao, sau mỗi việc có ích, mình lại thấy niềm vui đối với nghề mình đã lựa chọn", Tuân nói
Thám tử khi hành nghề luôn trang bị cho mình những thiết bị theo dõi nhỏ gọn và chất lượng để không bị đối tượng phát hiện



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung