I.Tổng quan về thị trường chứng khoán:
1- Khái niệm:
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán trung và dài hạn. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở những thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp.
Như vậy, xét về mặt hình thức, TTCK chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi chủ thể nắm giữ chứng khoán.
2- Chức năng cơ bản của TTCK:
- Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
- Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
- Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
- Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
- Tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách vĩ mô
3- Các chủ thể tham gia TTCK
Các tổ chức và cá nhân tham gia TTCK có thể được chia thành các nhóm sau: tổ chức phát hành, nhà đầu tư và các tổ chức có liên quan đến chứng khoán.
a) Tổ chức phát hành
Tổ chức phát hành là các tổ chức thực hiện huy động vốn thông qua TTCK. Tổ chức phát hành là tổ chức cung cấp các chứng khoán - hàng hoá của TTCK.
- Chính phủ và chính quyền địa phương là nhà phát hành các trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương.
- Công ty là nhà phát hành các cổ phiếu và trái phiếu công ty.
- Các tổ chức tài chính là nhà phát hành các công cụ tài chính như các trái phiếu, chứng chỉ thụ hưởng... phục vụ cho hoạt động của họ.
b) Nhà đầu tư
Nhà đầu tư là những người thực sự mua và bán chứng khoán trên TTCK. Nhà đầu tư có thể được chia thành 2 loại: nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức.
c) Các tổ chức kinh doanh trên TTCK
- Công ty chứng khoán
- Quỹ đầu tư chứng khoán
- Các trung gian tài chính
d) Các tổ chức có liên quan đến TTCK
- Cơ quan quản lý Nhà nước
- Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán
- Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán
- Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán
- Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán
- Các tổ chức tài trợ chứng khoán
- Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm...
4- Cấu trúc và phân loại cơ bản của TTCK
TTCK là nơi diễn ra các giao dịch, mua bán những sản phẩm tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay ngân hàng... có kỳ hạn trên 1 năm). Sau đây là một số cách phân loại TTCK cơ bản:
a) Căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn vốn
TTCK được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
- Thị trường sơ cấp: là thị trường mua bán các chứng khoán mới phát hành. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang tổ chức phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.
- Thị trường thứ cấp: là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.
b) Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường
TTCK được phân thành thị trường tập trung (Sở giao dịch chứng khoán) và phi tập trung (thị trường OTC).
c) Căn cứ vào hàng hoá trên thị trường
TTCK cũng có thể được phân thành các thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh.
- Thị trường cổ phiếu: là thị trường giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi.
- Thị trường trái phiếu: là thị trường giao dịch và mua bán các trái phiếu đã được phát hành, các trái phiếu này bao gồm các trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị và trái phiếu chính phủ.
- Thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh: là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính khác như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn...
II. Các giai đoạn phát triển của TTCK Việt Nam
1- Quá trình phát triển của TTCK
Sau nhiều năm chuẩn bị và chờ đợi , ngày 11-7-1998 Chính phủ đã ký Nghị định số 48/CP ban hành về chứng khoán và TTCK chính thức khai sinh cho Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời.
Cùng ngày, Chính phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đặt tại TP.HCM và Hà Nội. Việc chuẩn bị cho TTCKVN thực ra đã do Uỷ Ban Chứng khoán Việt Nam ra đời bằng Nghị định 75/CP ngày 28-11-1996.
Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (TTGDCK TP.HCM) được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11-7-1998 và chính thức đi vào hoạt động thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28-7-2000.
Ngày 28/7//2000, phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của TTCK Việt Nam mở cửa với một "mô hình đơn giản đến mức khó tin: 2+2+1+1, tức chỉ 2 cổ phiếu (REE và SAM), 2 công ty chứng khoán, 1 trung tâm giao dịch chứng khoán kiêm chức năng trung tâm lưu ký, 1 ngân hàng chỉ định thanh toán".
Khởi đầu đơn giản là vậy, nhưng 10 năm sau TTCK Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, với 566 công ty và quỹ niêm yết, tổng vốn hóa hơn 700 ngàn tỉ đồng, tương đương 40% GDP.
Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội đã chính thức chào đời vào ngày 8/3/2005. Khác với TTGDCK TP.HCM (vốn là nơi niêm yết và giao dịch chứng khoán của các công ty lớn), TTGDCK Hà Nội sẽ là “sân chơi” cho các DN nhỏ và vừa (với vốn điều lệ từ 5 đến 30 tỷ đồng).
Chỉ số VN – Index:
VN - Index là ký hiệu của chỉ số chứng khoán Việt Nam. VN - Index xây dựng căn cứ vào giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu được niêm yết. Với hệ thống chỉ số này, nhà đầu tư có thể đánh giá và phân tích thị trường một cách tổng quát..
Chỉ số VN -Index so sánh giá trị thị trường hiện hành với giá trị thị trường cơ sở vào ngày gốc 28-7-2000, khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động.
Giá trị thị trường cơ sở trong công thức tính chỉ số được điều chỉnh trong các trường hợp như niêm yết mới, huỷ niêm yết và các trường hợp có thay đổi về vốn niêm yết.
Công thức tính chỉ số VN - Index:
Chỉ số VN -Index = (Giá trị thị trường hiện hành / Giá trị thị trường cơ sở) x 100
Trong đó:
Pit: Giá thị trường hiện hành của cổ phiếu i
Qit: Số lượng niêm yết hiện hành của cổ phiếu i
Pi0: Giá thị trường vào ngày gốc của cổ phiếu i
Qi0: Số lượng niêm yết vào ngày gốc của cổ phiếu i
2- Thực trạng và giải pháp
Khi mở TTCK, những người điều hành biết nhiều về cái xấu, cái hại của TTCK; ít nghĩ đến cái tốt, hay đến lẽ sống của nó. Cái chợ phải thế nào đó mới đông đúc được. Chẳng hạn họ nghĩ bán khống là "cái xấu", nên cấm. Nhưng dù có cấm thì trên thực tế hoạt động đó vẫn diễn ra, để rồi giờ đây người ta phải âm thầm chấp nhận và tìm cách điều chỉnh bằng luật. Rồi đến sự nhầm lẫn về khái niệm. Từ chính quyền, người làm chuyên môn đến báo giới và công chúng đều nghĩ sàn giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh là sàn giao dịch chứng khoán; còn cổ phiếu nào không giao dịch trên sàn này ắt phải ở "sàn OTC".
Mãi đến tháng 6/2009, chúng ta có sàn giao dịch UPCoM - đó mới chính là OTC. Vì dù bán ở sàn nào thì chứng khoán cũng phải được đăng ký. Rõ ràng danh từ OTC dùng trước đây là sai. Một nhầm lẫn khác, từ "insider trading" dịch là "giao dịch nội gián" cũng sai, đến nghị định thứ hai mới dịch đúng là "mua bán có nắm thông tin nội bộ". Rồi có từ ngữ chỉ có ở Việt Nam, chẳng hạn từ "lướt sóng", chữ này khi dịch qua tiếng Anh phải là "speculate", là liều lĩnh, chứ không phải là đầu cơ. Bởi chúng ta cấm giao dịch đầu cơ, nhưng thực tế buộc phải có, nên giới đầu tư gọi theo cách tượng hình như thế. Đấy là một từ ngữ đặc biệt của riêng TTCK Việt Nam, "surfing" chứ không phải "speculate". "Nếu chúng ta so TTCK của ta với các nước khác thì sẽ rất thú vị. Trong một cuộc tọa đàm tổng kết, một nữ giảng viên dạy môn này ở một trường đại học nói rằng TTCK Việt Nam được điều hành tốt hơn cả TTCK New York, vì chúng ta chưa hề có khủng hoảng!".
"Những nước chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, khi tiếp nhận những cơ chế mang tính chất thị trường như TTCK thì đương nhiên chưa thể giống các nước phát triển ngay được" nhưng rồi mọi thứ sẽ đi vào nề nếp. "Về lý thuyết, TTCK là một kênh huy động vốn, vậy TTCK Việt Nam đã đạt được chức năng đó chưa, hay đang còn là một sòng bài, nơi người ta thấy giá cổ phiếu xuống thì mua, thấy giá lên thì bán kiếm lời?". "Tất nhiên, ai cũng muốn TTCK sẽ có những nhà đầu tư dài hạn. Nhưng trên thực tế, TTCK phải là sòng bạc trước khi có thể làm được chức năng kinh tế".
Nhắc đến đầu cơ, cả luật pháp lẫn đạo đức đều lên án, nhưng điểm tích cực của sự đầu cơ là nhờ vào đó mà tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới manh nha và được đẩy mạnh, khu vực tư nhân cũng có điều kiện và tiền đề để phát triển. Chính điều này giúp phát triển kinh tế nhiều hơn bản thân TTCK, khi mà tác động của nó lên nền kinh tế còn hạn chế. TTCK cũng là nơi để các công ty có nguồn vốn và chia sẻ nguồn vốn. Điều này rất quan trọng, bởi ở Việt Nam trước đây, cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều không muốn chia sẻ nguồn vốn của mình với bất kỳ ai. "Trước khi có TTCK, doanh nghiệp cổ phần hóa, cán bộ công nhân viên mua cổ phần vì họ phải mua, chứ không phải để đầu tư. Phía doanh nghiệp cũng vậy. Chỉ khi có TTCK, như một sòng bạc thực sự, có thể đem lại tiền cho những người đánh bạc, thì công chúng mới hồ hởi tham gia. Theo tôi, TTCK phải là nơi mà công chúng thấy rằng mình có khả năng kiếm tiền được ở đó, hấp dẫn họ tham gia, thì sau đó dần dần mới có chức năng kinh tế như trong lý thuyết".
"Những năm 1998-1999, Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, vừa có hàng loạt thay đổi về chính sách kinh tế, tài chính, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Nhà nước, cụ thể là TP.HCM tiến hành kích cầu, sau đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa. Khi ấy cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp này không hề muốn mua cổ phiếu, phải năn nỉ, thậm chí cho họ vay tiền để mua. Phải đến khi TTCK ra đời (năm 2000) và đặc biệt đến năm 2006-2007 khi thị trường bùng nổ, mới có nhiều người muốn tham gia. Chưa thể khẳng định TTCK Việt Nam đã thực hiện được chức năng kinh tế hay chưa, nhưng ít nhất nó là động lực, cú hích giúp các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa".
Trở lại chuyện luật lệ, TTCK cũng như nhiều lĩnh vực khác, người ta đã quá đặt nặng tiền kiểm mà coi nhẹ hậu kiểm. Cho vào thì như thắt cổ chai, nhưng khi vào chai được rồi thì tung tăng muốn làm gì thì làm, như vậy tạo cơ hội làm trái cho những ai không trung thực. Ở đó, có sự ưu đãi cho những người nắm thông tin trước người khác.
"Hai vấn đề mà các thị trường lâu năm coi là bình thường nhưng ở Việt Nam chưa cho phép, là margin trading (một hình thức đòn bẩy, nhà đầu tư được vay một số tiền gấp nhiều lần số tiền ký quỹ ban đầu để mua chứng khoán - P.V) và bán khống, vậy bao giờ chúng ta mới có?". Hợp đồng margin trading hiện đang được "địa phương hóa" trong đó việc ứng khoản tiền được gọi là "hỗ trợ" và ngân hàng dường như đã chấp nhận. Thiên hạ đang tìm một danh từ phù hợp để đặt cho loại giao dịch này". Theo tôi, những nghiệp vụ này chắc chắn sẽ phải có trong TTCK.
"Về bán khống thì luật đã cho rồi, nhưng do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên chưa đi vào thực tế. Theo tôi, đây là những vấn đề cần đưa vào hành lang pháp lý, bởi đều là những hoạt động phải có của TTCK thì trước sau gì các công ty chứng khoán cũng thực hiện cho khách hàng của mình". "Ở các nước phát triển, tập tục có trước, luật pháp theo sau, nên luật ra là phù hợp ngay vì đã có sẵn tập tục. Còn chúng ta thì luật pháp thiết lập ra cơ chế, theo một quan niệm riêng, đến khi thực thi mà thấy có người vi phạm thì sợ, rồi dẹp luôn".
Khó khăn đầu tiên là khái niệm TTCK còn quá mới mẻ. Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Việt hầu như không có, tài liệu tiếng Anh nhiều nhưng không dễ áp dụng ngay vào Việt Nam. Vì mới nên có chuyện một đại biểu Quốc hội đề nghị thiết lập ở mỗi địa phương một TTCK. Khó khăn thứ hai là từ cán bộ cao cấp nhất trong điều hành TTCK đến đội ngũ thực hiện, tư vấn... đều thiếu kinh nghiệm. Khó khăn thứ ba là TTCK Việt Nam ra đời khi chưa được chuẩn bị đầy đủ. "Do chưa chuẩn bị đầy đủ như vậy nên thị trường phát sinh rất nhiều vấn đề, tiêu biểu nhất là thiếu hàng. Thiếu từ số lượng đến chất lượng. Ví dụ như ngày giao dịch đầu tiên, khi ấy chỉ có hai sàn giao dịch của Bảo Việt và Ngân hàng Đầu tư. Sàn giao dịch của chúng tôi 200m2 không còn chỗ trống. Biên độ lúc đó là ± 7%, cứ mỗi phiên đều tăng kịch trần, người ta thấy cứ mua vào là có lời, nên không ai bán cả, chỉ muốn mua. Tám giờ mới giao dịch mà người ta xếp hàng từ 6g sáng, rồi 5g, 4g... Sau khi Nhà nước cho cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vifon, Pin Ắc quy Miền Nam, Dầu Tường An... và đưa lên sàn thì thị trường mới đi vào ổn định".
Có một điều cần ghi nhận, là trong quá trình phát triển, những người điều hành TTCK Việt Nam đã xử lý tình huống thị trường ngày càng tốt hơn. Điển hình: "Đó là thời điểm năm 2008, khi thị trường sụt giảm không phanh, VN-Index xuống đến khoảng 230, Ủy ban Chứng khoán ra một quyết định theo tôi là rất đúng, đó là siết lại biên độ (xuống còn ±1%). Tôi nghĩ nếu không tạo một khoảng lặng cần thiết, cho nhà đầu tư ổn định tinh thần, thì có lẽ chúng ta không kỷ niệm được 10 năm TTCK như bây giờ, vì nhà đầu tư tháo chạy hết, nguy cơ sụp đổ là có thật".
"Năm 2009 TTCK Việt Nam bật lên trở lại cũng gần giống với các thị trường châu Âu, Mỹ, là nhờ vào chính sách kích cầu. Tiền kích cầu đổ vào sản xuất không hết, một phần vào kênh chứng khoán. Rồi khi TTCK lấy được đà thì Nhà nước điều chỉnh lãi suất, xem xét lại kích cầu... Tôi nghĩ guồng máy kinh tế của chúng ta những năm gần đây đã hòa nhập hơn trước kia rất nhiều, dần tuân theo xu hướng, quy luật chung của thế giới".
Công lao của Nhà nước và những người tham gia TTCK từ những ngày đầu là rất lớn. Chỉ sau 10 năm, TTCK đạt được như hiện giờ thật đáng khích lệ, tuy rằng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Mong chúng ta ghi nhận công sức của các tổ chức tài chính nước ngoài như Nomura Securities, Merrill Lynch,... đã tài trợ hàng triệu USD để đào tạo và tạo điều kiện cho các phái đoàn của nước ta đi nghiên cứu TTCK các nước từ những năm 1993-1994. "Dĩ nhiên khi mở cửa theo kinh tế thị trường, chúng ta cần phải học nhiều, sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhưng theo tôi, đa số chính sách của Nhà nước đang rất đúng đắn. Chuyện luật lệ chặt quá dĩ nhiên không tốt, nhưng có thể dùng hình ảnh chúng ta đang mặc nhiều lớp áo, khi thấy nóng sẽ cởi ra từ từ. Như vậy có khi tốt hơn chỉ mặc một áo, lỡ gặp lạnh không biết lấy áo đâu mà mặc thêm!".
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về sự hồi phục cũng như phát triển của kinh tế đất nước, nhưng nhiều tập đoàn tài chính quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng và cho rằng TTCK Việt Nam trong tương lai gần sẽ phát triển. "Ngày nay, với bao vướng mắc, chưa có các nghiệp vụ bán khống, margin trading, giờ mở cửa chỉ 8g30-11g,... mà TTCK đã phát triển được như ngày hôm nay, thì trong tương lai khi những khó khăn được giải quyết, thị trường sẽ còn phát triển mạnh. Một lý do khác, hiện quy mô giao dịch trên TTCK nước ta mới chỉ khoảng 15-20% GDP, so với tỷ lệ 100-200% GDP của các nước thì còn quá thấp, chứng tỏ tiềm năng TTCK nước ta còn lớn".
"Trong những năm tới, các công ty tốt của Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn các công ty của các nước trong khu vực, mà hiện giá cổ phiếu của các công ty này còn tương đối rẻ. Riêng việc đầu tư vào công ty nào thì câu trả lời là phải nghiên cứu kỹ số liệu và thực tế về công ty đó". "Nhiều nhà đầu tư lâu năm ở Việt Nam cũng có ý kiến rằng cổ phiếu hiện khá hấp dẫn. Chuyện số liệu không đáng tin cậy, lãi giả lỗ thật không hiếm, nhưng cũng có rất nhiều công ty làm ăn đàng hoàng. Theo tôi, những công ty đã niêm yết là phải theo quy trình công khai, minh bạch, chưa kể hầu hết đều được các công ty kiểm toán quốc tế thực hiện, nên có thể yên tâm". "Chất lượng dữ liệu thì ngay cả bên Mỹ cũng có những công ty phát hành những báo cáo không trung thực. Quốc hội Mỹ phải ra đạo luật (gọi là "Sarbanes-Oxley law") rằng người nào ký vào bảng số liệu trong báo cáo thường niên thì phải cá nhân chịu trách nhiệm, chứ không phải ký với tư cách đại diện cho công ty. CEO chứng thực những con số đó là đúng mà sau này phát hiện sai phạm sẽ bị truy tố, và nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể ở Việt Nam rồi cũng phải ban hành một đạo luật như vậy, để những con số công bố ra trở nên đáng tin cậy hơn".
Hy vọng rằng những luật lệ trong TTCK Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường hơn, để khuyến khích nhiều nhà đầu tư cũng như người dân tham gia vào TTCK. Khi ấy, chắc chắn TTCK sẽ thực hiện được vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Còn trước mắt, quan điểm của ông Mạc Nguyên Hưng cũng đại diện cho sự đánh giá khách quan của nhiều nhà đầu tư: "Đã là nhà đầu tư, hễ thấy chỗ tốt thì đầu tư. Với quan điểm đó, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng sẽ phát triển tốt trong những năm tới".
Bạn quan tâm đến bài viết hữu ích này và muốn tìm hiểu thêm thông tin, hãy liên hệ hotline của Jimmy Group: 01992 111199
Rất tổng quan về thi trường CK VN.Cảm ơn bạn
Trả lờiXóa........
Ms. Hoàng Thoa
Chuyên viên tư vấn bất động sản Smartland tại TpHCM
Click để xem chi tiết: Căn Hộ Chung Cư Giá Rẻ First Home Thủ Đức TPHCM hoặc Can Ho Chung Cu Gia Re First Home Thu Duc TPHCM