Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Thói quen nhanh "rỗng túi"

Mua sắm quá tay, đăng ký học tràn lan, ngốn cả đống tiền cho làm đẹp... khiến túi tiền của nhiều người nhanh chóng bốc hơi trước khi nhận được lương hàng tháng.
"Căn bệnh" nghiện mua sắm khiến túi tiền của nhiều chị em vơi đi đáng kể chỉ trong vài giờ đồng hồ lượn lờ ở các trung tâm thương mại, cửa hàng...
Chị Lan, quận 3 là trường hợp điển hình cho việc "vung tay quá trán" khi shopping, siêu thị.

Chị kể, có hôm đi mua sắm quần áo, chị định chỉ mua 2 cái quần jean chứ không chọn áo vì ở nhà còn nhiều đồ mới, thậm chí có cái chưa dùng lần nào. "Tuy nhiên, khi nhìn thấy những chiếc áo ưng ý treo lủng lẳng trên quầy, tôi lại không cầm lòng được mà muốn thử, thử xong thấy ưng ý mua luôn nên mỗi lần đi mua sắm, khi nào tôi cũng mua cùng lúc 4-5 cái. Đôi khi, lựa chọn không kỹ có những cái chỉ mặc duy nhất một lần rồi không dùng nữa", chị cho hay. Thế nên thay vì chỉ định bỏ ra 500.000 đồng cho 2 chiếc quần, chị đã chi tiêu vượt hạn mức đến cả triệu bạc cho những thứ chưa cần thiết khác.

Không chỉ shopping, ngay cả đi siêu thị chị cũng gom đủ thứ, cứ thấy khu vực nào khuyến mãi là chị lại ghé vào gom về, dù đó chưa phải là món hàng cần dùng ngay. Chẳng hạn như bột nêm. Mặc dù ở nhà vẫn còn cả 500gram nhưng thấy có khuyến mãi thêm rổ, thau nhựa nhỏ xinh, chị chọn luôn 2 bịch bột nêm chỉ với mục đích sở hữu chiếc rổ. Chính vì thế, chị luôn lâm vào tình trạng mua sắm tràn lan nên chưa hết tháng mà đã cạn sạch hầu bao.

Còn chị Kim, ở quận Thủ Đức thường gặp cảnh lương tháng nào tiêu hết tháng đó vì ăn vặt quá đà, nhiều lúc bỏ qua các bữa ăn chính trong ngày mà chỉ toàn nạp vào người những thứ linh tinh mọi lúc mọi nơi.

“Ăn đồ ăn vặt quen nên tôi cảm thấy chán cơm. Do vậy, thay vì chỉ mất 25.000 đồng cho bữa cơm trưa thì tôi lại chi hết 50.000 đồng cho khoản ăn vặt. Tới 15h chiều, tôi lại thấy đói và tìm tới gỏi cuốn, hột vịt lộn, bánh chuối nướng...”, chị Kim nói.

Còn chị Thanh, quận Bình Thạnh tốn kém nhất ở khoản làm đẹp. Thu nhập không cao nhưng chị thường lui tới các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thường xuyên thay đổi kiểu tóc, trang phục đi làm.

“Tôi chẳng tiêu gì nhiều, chỉ có mỗi làm đẹp là chi mạnh tay nhất. Một tháng tôi tốn ít nhất một triệu đồng để chăm sóc da. Đấy là đã gói tiết kiệm nhất, nhiều bạn bè của tôi chi cho làm đẹp còn mạnh tay hơn nhiều”, chị Thanh nói,

Đó là chưa kể chị tiêu tốn vài trăm nghìn đồng để chăm sóc tóc, làm đẹp móng, mua mỹ phẩm... Với thu nhập 8 triệu đồng một tháng, chi phí cho làm đẹp của chị Thanh chiếm khoảng 30%, vì thế, chị thường trong tình cảnh "viêm màng túi" trước khi nhận lương 1-2 tuần.

Còn Linh, quê ở Nha Trang chi rất nhiều tiền cho việc học nhưng lại không hiệu quả. Vì không đậu Đại học Kinh tế TP HCM nên Linh xét nguyện vọng vào Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan. Sau 3 năm, Linh tiếp tục đăng ký học văn bằng 2 trường Đại học Ngoại thương ngành quản trị kinh doanh. Không dừng lại ở đấy, cô chi cả mấy chục triệu để học song song nghiệp vụ ngân hàng và kế toán cùng một lúc. Sau 2 tuần đi học liên tục, Linh cảm thấy mệt mỏi và khó tiếp thu, vì thế Linh quyết định bỏ một trong 2 nghiệp vụ, mất trắng 8 triệu đồng tiền học phí đã đóng cho nghiệp vụ ngân hàng.

"Sau nhiều lần đăng ký học tràn lan tôi mới nhận ra học tốt một lĩnh vực còn hơn là đăng ký nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu, cho nên tôi quyết định theo đuổi ngành kế toán", Linh chia sẻ.

Thanh Hoa, nhân viên văn phòng ở một công ty truyền thông quận 3 tiếc nối cho biết, tới nay chị đã mất hơn chục triệu đồng để học Anh văn ở các Trung tâm ngoại ngữ nhưng hiệu quả chẳng tới đâu. Mỗi khóa Hoa chỉ học vài buổi rồi bỏ vì cảm thấy đuối, không theo kịp mọi người nên chán nản. Tới khi thấy bạn bè giao tiếp giỏi với người nước ngoài, Hoa quyết tâm học lại nhưng cũng chỉ một hai tháng làcảm thấy "nhét không vào".

"Cứ thế, tôi tốn khá nhiều tiền để nâng cao trình độ tiếng Anh nhưng kết quả vẫn không khá lên", chị kể.

Lâm, ở quận 3 lại rơi vào tình trạng hết tiền mà vẫn chưa có lương vì cho vay linh tinh. Mỗi khi bạn bè năn nỉ vay tiền, Lâm đều không nỡ từ chối và cho vay hết, thậm chí còn mượn của người khác để giúp đỡ bạn.

"Có người tôi biết chắc sẽ chẳng bao giờ trả lại cho mình nhưng tôi không thể chối từ được. Hiện tại, có bạn đã đổi số điện thoại, tôi không cách nào đòi lại mấy triệu đồng từ cách đây cả năm trời", Lâm cho hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung