Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Nhân Tướng Học

Tướng tuỳ tâm sinh - Tướng tuỳ tâm diệt, Tướng tốt - Tướng xấu là ở cái tâm con người !
Phương pháp xem tướng đều thông qua việc quan sát kỹ lưỡng để dự báo cát hung họa phúc, ở đây chỉ xem xét và quan sát các loại hình của tướng thuật. 
Các phương pháp nhận dạng cá nhân qua dấu vết lỗ tai, dấu vân tay, hình dạng của mũi...là một khoa học dựa trên nghiên cứu các bộ phận của con người, thuật xem tướng cũng vậy được đúc kết từ kinh nghiệm quan sát hàng ngàn năm của tiền nhân.
Về đối tượng được nghiên cứu bao gồm 3 loại là hình thể, mạch và vật thể, từ đó phân tướng thuật làm ba loại là hình tướng, mạch tướng và vật tướng.
1. Hình tướng
Người ta thường nói tướng thuật, kỳ thực là chỉ hình tướng. Hình tướng là qua việc quan sát các bộ vị của thân thể và sự biến hóa tương quan giữa chúng để dự báo cát hung. Đó là nội dung chủ yếu của tướng thuật mà chúng ta thường nói tới. Tướng thuật cho rằng “mệnh người do thiên bẩm và biểu lộ ra ở hình thể”. “Tính mệnh lộ ra ở hình cốt, cát hung thể hiện ở khí mạo”, “phàm giữa mệnh và tướng giống như âm thanh và tiếng vang. Âm thanh từ mình phát ra, tiếng vang liền ứng theo, tuy mọi người thọ yểu khác nhau, hiền ngu không giống nhau, nhưng quy luật chung là có thể biết được”. “Bởi vì thân thể không lúc nào không biểu lộ ra những dấu hiệu của sinh mệnh”, “cho nên các thánh hiền thời xưa thường xem hình mạo để biết tính chất, biết tính chất thì hiểu rõ cái tâm, hiểu rõ cái tâm thì biết cái đạo. Quan sát hình mạo sẽ thấy cát hung rõ ràng. Vả lại Phục Hi có nhật giác, Hoàng Đế có long nhan (mắt rồng) Thuấn có hai con ngươi, Văn Vương có bốn vú, đều là tướng của người xưa, thể hiện ra như vậy, là thánh nhân vậy. Còn tất cả mọi người hiền ngu khác, cũng đều thể hiện ra ở mọi dấu hiệu nhỏ bé ở bàn tay, ngón tay, không ai ra khỏi quy luật chung đó. Vì vậy, thuật xem tướng hình thần bắt đầu được xây dựng nên”. (“Thái thành thần giám” – Tự). Rõ ràng, thông qua hình thể để phân biệt thiện ác cát hung là phương pháp và nội dung cơ bản của hình tướng. Sự quan sát hình thể nhằm mục đích vạch ra thiện ác và tính tình, sự thiện ác của tính tình là cơ sở của cát hung. 
Nếu hình tướng lấy nhân thể làm đối tượng quan sát, thì mọi bộ vị của thân thể có thể là dấu hiệu biểu lộ ra, như xương khớp, da thịt, lông mày, râu ria, lông tóc, trán má, mắt, mũi, miệng, môi, răng, lưỡi, tai, cổ vai nách, lưng, vú, bụng, eo lưng, rốn, hậu môn, tứ chi, tay, chân, bàn tay, ngón tay, móng tay, móng chân, khí quan sinh dục, tinh thần khí sắc, bởi lẽ cử chỉ cho tới việc đại tiểu tiện đều là những cái bao hàm xâu xa liên quan tới số mệnh khác nhau và trở thành đối tượng quan sát. Thoạt nhìn qua hình thái người ta khác nhau, nhiều biểu hiện rối rắm phức tạp, nhưng trên thực tế đều có dấu hiệu để nắm bắt, đều có ý nghĩa. Chỉ cần nắm vững quy tắc vận động của hình thái có thể hiểu rõ được điều đó, có thể vạch ra những thông tin về số mệnh làm chứa trong đó. Trong con mắt nhà tướng thuật, sự huyền bí của tướng thuật chỉ là do dân chúng nói chung không hiểu được các “mật mã” chỉ thị số mệnh mà thôi. Trình độ cao thấp của các nhà tướng thuật biểu hiện ở sự thông hiểu các “mật mã” đó và trình độ thao tác của họ. 
Ban đầu, sự quan sát và bình luận của các tướng thuật gia đối với các bộ vị của hình thể tương đối thô sơ và giản đơn. Cuốn “Tướng pháp thập lục thiên” thác danh Hứa Phụ chỉ căn cứ vào 14 bộ vị cụ thể của thân thể người và 2 mặt hành vi, tiếng nói để bình phán về số mệnh con người, vả lại mỗi điều lại riêng rẽ, không liên quan bổ trợ cho nhau. Ngoài ra, các thầy tướng mỗi người lại chỉ chú trọng đến những bộ vị khác nhau, như vậy tất nhiên sẽ dẫn tới kết quả là do biểu trưng ở các bộ vị của mỗi con người khác nhau nên sẽ suy ra những kết luận về số phận khác nhau nên sẽ suy ra những kết luận về số phận khác nhau, và không thể nào phản ánh được những sai khác nhỏ bé trong số phận giữa người này với người khác và sự chìm nổi, biến hóa trong số phận của một con người nên không thể kết luận cho tròn trĩnh được. Thế là, hình tướng rất nhanh chóng phát triển theo ba hướng. (1) Sự đi sâu, chia nhỏ trong cơ cấu các bộ vị của cơ thể. Sau này, hình tướng không giản đơn lấy sự khác biệt đại khái của một bộ vị nào đó để làm căn cứ phán đoán số mệnh nữa, mà tiến hành quy nạp, phân loại, coi chúng nằm trong hệ thống lớn và hệ thống nhỏ có tầng thứ rất chi tiết, nội dung rất phong phú. Như về mặt chia ra làm 13 bộ vị, thuộc về một hệ thống lớn. Riêng về tai đã chia ra hơn 20 loại có quan hệ đến số mệnh, thuộc một hệ thống nhỏ. Sự phối hợp liên hệ giữa hệ thống lớn và hệ thống nhỏ đã giải quyết được những sai biệt nhỏ về số mệnh giữa người này với người khác. Sự bình phán về số mệnh đã từ chỗ giản đơn phán đoán về thọ yểu, sang hèn phát triển thành sự dự báo về hoạn lộ, nắm được thăng tiến, tật bệnh, sinh đẻ, gia đình, họa phúc, ăn uống, đi xa, v.v…, hầu như trình bày hết mọi nội dung sinh hoạt của một đời người. (2) Sự chỉnh thể hóa các bộ vị của hình thể. Lúc ban đầu, tướng thuật không xem cả toàn thân để dự đoán số mệnh. Có người thiên về xem tướng mặt, có người thiên về xem cốt tướng …. người nào theo thuyết của người đó, thành nhiều chi phái. Sau này phát triển lên, tướng thuật ngày càng chặt chẽ, đại đa số thầy tướng không còn xem xét cô lập một bộ vị để dự đoán số mệnh nữa mà coi mọi bộ vị trong hình thể là một thể thống nhất hữu cơ, mỗi bộ vị có tác động chủ yếu hoặc thứ yếu đến số mệnh và chi phối những mặt khác nhau của số mệnh. Việc xem hình tướng cũng theo thứ tự nhất định, tức là trước hết xem xương khớp, sau đến tam đình rồi đến mặt và khí sắc …. gọi là “thập quan pháp”. Sau cùng tổng hợp mọi biểu trưng bên ngoài rồi dự đoán số mệnh. Như vậy, giải quyết được vấn đề những hình tướng khác nhau, sẽ có số mệnh khác nhau. (3) Động thái hóa sự giải thích số mệnh. Hình tướng của con người là một đặc trưng sinh lý suốt đời biến đổi rất ít. Lấy đó mà bàn mệnh vận, tất nhiên sẽ dẫn tới tình trạng “cứng đờ”, chỉ thấy mệnh mà không thấy vận, mà trên thực tế thì mệnh vận con người không ngừng biến hóa. Vì vậy, tướng thuật lại đề xuất ra thuyết về khí sắc, tức là căn cứ vào màu sắc đỏ, vàng, xanh, đen, tía, trắng biểu hiện ở các bộ vị khác nhau trên mặt để suy đoán họa phúc cát hung trước mắt và lâu dài về sau. Đồng thời lại xây dựng nên thuật số “lưu niên vận khí” và phối hợp cái đó với mệnh tướng của các bộ vị trên hình thể. Đặc trưng bộ vị quyết định số mệnh chung, còn khí sắc quyết định sự biến hóa cụ thể của cát hung họa phúc trong một phạm vi thời gian không gian. Do đó mà tạo nên thuyết vận mệnh vừa tương đối ổn định, vừa biến hóa vô cùng. Như vậy là, cuối cùng họ đã cho xây dựng được một học thuyết trọn vẹn, không còn kẽ hở, giải quyết được toàn bộ khó khăn của tướng thuật. 
Do hình tướng là chủ thể của tướng thuật nên mọi người thường coi hình tướng là toàn bộ tướng thuật. Để tiện theo dõi, những phần viết tiếp theo vẫn coi hình tướng là nội dung chủ yếu của tướng thuật để phân tích và đánh giá.
2. Mạch tướng
Mạch tướng cũng còn gọi là Thái Tố mạch là một loại phương thuật thông qua sự biến hóa về mạch trong cơ thể người để dự báo cát hung họa phúc. Vì thông qua phương pháp chuẩn mạch của Trung Y để đạt tới mục đích đó nên nó coi là một loại tướng thuật đặc biệt. Về nguồn gốc của mạch Thái Tố, hiện nay vẫn còn nhiều thuyết khác nhau, nhưng thuyết được nhiều người nhất trí nhất thì cho rằng Trương Thái Tố, người ở Thanh Sơn thời Minh được một vị ẩn giả bí mật truyền cho, rồi ông thực nghiệm nhiều lần, chỉnh lý lại và lưu truyền ra. Thái Tố có viết cuốn “Thái Tố mạch bí quyết” gồm hai cuốn thượng và hạ. Phương pháp mạch Thái Tố mà ngày nay ta được biết là nhờ ở cuốn sách đó. Trương Thái Tố cho rằng, sự thay đổi về mạch đạp của con người là cùng một nguyên lý với ngũ hành bát quái, Hà đồ Lạc thư. Chỉ cần nắm vững bí quyết của mạch Thái Tố thì không những có thể chuẩn bệnh cho người ta mà còn có thể dự đoán mệnh vận. Tương truyền, Thái Tố mạch pháp linh nghiệm dị thường, không những có thể dự đoán mọi điềm cát hung, suốt cả đời người, mà còn có thể căn cứ vào mạch tướng của cha để dự đoán tiền đồ vận mệnh của con nữa. 
Căn cứ vào nguyên lý chuẩn mạch của Trung Y, mạch quyết Thái Tố quy nạp sự biến hóa của mạch tướng con người thành “ngũ dương mạch”, “ngũ âm mạch”, “tứ doanh mạch”. 
Gọi là “ngũ dương mạch” tức là năm loại mạch tướng: phù, hoạt, thực, huyền, hồng, Thái Tố mạch quyết nói:  
“ Phù là mạch nhẹ và ở bên trên, ẩn hiện hoãn tán, như nước làm nổi vật lên, ấn mạnh xuống thì không thấy, để nhẹ tay thì thấy rõ, càng nhẹ càng thấy mạch, rõ rành ở đầu ngón tay. Nếu tam bộ đều phù, thì tâm khí bất túc. 
Hoạt, là mạch không có đầu nối như chuỗi hạt liên tục, ấn mạnh tay thì càng mạnh, thấy rõ ở đầu ngón tay. Để nguyên tay thì thấy mạnh hơn mạch hồng. Nếu tam bộ đều hoạt thì can khí bất túc. 
Thực, là mạch ngược với hư. Nguồn mạch lâu dài không dứt, đặt nhẹ tay thì mạch rõ, ấn mạnh tay thì thấp thoáng như mạch huyền, nhỏ hơn mạch hồng. Nếu tam bộ đều thực thì là tì khí không đủ. 
Mạch huyền là ấn tay xuống thấy căng như dây đàn, ấn mạnh thì đập vừa phải, ấn nhẹ thì càng gấp, mạch tụ mà không tán, để lâu vẫn không thay đổi. Nếu tam bộ đều huyền, thì phế khí không đủ. 
Hồng, là mạch lớn, có nguồn sâu, dòng dài, ấn tay xuống tìm mạch, thấy không huyền không phù, ấn nhẹ ấn nặng đều như vậy. Nếu lại tìm nữa thì bỗng thấy mạnh. Nếu tam bộ đều hồng là khí bất túc”.  
Năm hiện tượng phù, hoạt, thực, huyền, hồng là dấu hiệu của “Ngũ dương mạch”. Chủ yếu khác nhau về mức độ nặng nhẹ, sâu nông. Như mạch phù là “nhẹ thì có nhiều, nặng thì có ít”, mạch hồng là “không huyền không phù, nặng nhẹ đều có” …. 
Gọi là “ngũ âm mạch” tức là bốn loại mạch: vi, trầm, hoãn, sắc. 
Thái Tố mạch quyết nói: 
“Mạch vi là mạch rất nhỏ và yếu, ấn mạnh tay để tìm thì thấy như sợi tóc, thấp thoáng ẩn hiện, như trạng thái nửa có nửa không. Nếu tam bộ đều vi, thì là huyết trệ và thần bất túc. 
Mạch trầm, như hòn đá ném xuống nước chìm xuống tận đáy, ấn mạnh tay để tìm thì phảng phất thấy. So với mạch vi, thấy mạch này hiện chậm trên xương. Nếu tam bộ đều trầm, thì là vị (dạ dày) nghịch và khí bất túc. 
Mạch hoãn, như sợi tơ trong máy không cuốn vào trục, ấn ngón tay thì thấy hoãn, xê dịch thì thấy vi, nhưng lại không gấp bằng vi, không trầm không phục đó là hoãn. Nếu tam bộ đều hoãn thì là thận yếu và tinh không đủ. 
Mạch sắc, là trệ mà không hoạt, dưới ngón tay như có cát chìm, như dao vót tre, trầm mà thô, ấn nặng thấy động vào ngón tay, ấn nhẹ thì như không có; trước thực sau hư lặp lại không ngừng. Nếu tam bộ đều sắc thì hồn không đủ.” 
So sánh với năm dấu hiệu của “ngũ dương mạch” thì “ngũ âm mạch” tỏ ra yếu ớt nhỏ nhoi, mặt khác “ngũ dương mạch” lấy huyết khí của các bộ vị khí quan làm đối tượng chuẩn đoán, còn “ngũ âm mạch” lại lấy tinh thần hồn phách của toàn thể con người làm mục đích kiểm tra. Do đó thấy rằng “ngũ âm mạch” nhỏ yếu khó tìm, song lại rất quan trọng, nếu tinh thần hồn phách của một con người trầm trệ bất túc, thì hình thể cũng sẽ khô xác. 
Gọi là “tứ doanh mạch”. 
Thái Tố mạch quyết nói: Tứ doanh là nhẹ nặng và đục, là âm. Phàm muốn biết sự sang hèn, giàu nghèo, thọ yểu của con người thì phải tìm trong tứ doanh mạch. 
“Người có mạch khinh (nhẹ) thấy như ngón tay sờ vào ngọc, thuần túy ôn nhuận, là người có trí thức minh mẫn, lộc vị quyền quý. 
Người có mạch thanh (trong), thấy phẳng lặng trong và nổi, như lông vũ nhẹ, không trầm không lắng, luôn thấy đập nhẹ. 
Người có mạch trọng (nặng) thấy hoãn và thô, lấy tay ấn xuống thấy mạch đục, mạch đục thì khí cũng đục. 
Người có mạch trọc (đục) thấy đục, trầm mà căng lại ẩn có trọng trọc, cũng cần xem xét bản nguyên của nó”. 
“Tứ doanh mạch” xem ra có tính tổng hợp, tổng quát. Sau khi hiểu sâu hai loại mạch “ngũ dương”, “ngũ âm”, còn cần phải đánh giá nghiên cứu tình hình nhẹ nặng trong đục của nó, sau đó mới có thể tổng hợp dự đoán trạng thái vận động của sinh mạng và từ đó suy ra xu hướng sang hèn, giàu nghèo, thọ yểu của mệnh vận. Do đó, “tứ doanh mạch” là hết sức quan trọng. 
Mạch Thái Tố lấy “ngũ dương mạch”, “ngũ âm mạch” làm cơ sở, lấy “tứ doanh mạch” làm hệ quan chiếu đánh giá, rồi lại tham hợp mạch tướng nam nữ và tiêu chuẩn giá trị của tướng lý, là có thể chỉ ra tiền đề mệnh vận của một cá nhân. “Thái Tố mạch bí quyết nói rằng: “Mạch Thái Tố, lấy việc nhẹ trong hay nặng đục để bàn về mệnh. Nhẹ trong là dương là giàu sang, nặng đục là âm, là nghèo hèn. Đàn ông lấy bộ can mộc làm chủ, quyết định công danh cao thấp, đàn bà lấy vị phế kim đoài làm chủ, quyết định việc phúc đức. Còn như nhẹ trong, như ngón tay sờ ngọc, thấy thuần túy ôn nhuận, đập vào đầu ngón tay rõ ràng, lục mạch (sáu mạch) không khác nhau. Như dòng chảy liên tục không đứt đoạn, dù có tật nhỏ, vẫn trong không đục, chủ về người có bản tính xung hòa, trí thức minh mẫn, lộc vị cao, đó là mạch trong nhẹ. Mạch nặng đục thì đập vào ngón tay không rõ ràng, như vung cát khô khắp đầu ngón tay, trước lớn sau nhỏ, số lần ngưng nghỉ hỗn tạp, khắc với bản thân, đó là mạch nặng đục, ấn ngón tay xem xét kỹ, không lần nào sai”. Đoạn văn trên nói rõ thực chất của tướng pháp theo mạch Thái Tố.ớng pháp mạch Thái Tố chủ yếu lấy bốn loại mạch nhẹ trong nặng đục làm phép tắc cơ bản để bàn về tướng người. Người có mạch tướng nhẹ trong là sang người có mạch tướng nặng đục là hèn. Nam giới chủ yếu cần nắm can mạch, theo đó để phán đoán công danh phú quý « nếu tam bộ đều hoạt, là can khí bất túc » đó là điều kỵ với mạch tướng đàn ông. Nữ giới chủ yếu cần nắm phế mạch, do đó có thể phán đoán phúc phận. « Nếu tam bộ đều huyền là phế khí không đủ », đó là điều kỵ với mạch tướng của đàn bà. 
Mạch Thái Tố dung hợp cả mạch lý của Trung Y và các yếu tố văn hóa âm dương ngũ hành, Hà đồ, Lạc Thư, rồi dùng tiêu chuẩn giá trị của tướng lý để đối chiếu, phát huy tỏ rõ đặc trưng hòa trộn vào nhiều thành phần văn hóa. Vì loại tướng thuật này lấy tên chính là chuẩn mạch của Trung Y nên càng dễ thu hút mọi người, khiến mọi người tin tưởng, đã từng lưu hành rộng rãi trong thời Minh và nổi danh là không sai bao giờ.
3. Vật Tướng
Trong lịch sử tướng học có một loại xem tướng dựa vào việc quan sát những đồ vật có liên quan đến con người để dự đoán cát hung quý tiện của người đó. Môn đó gọi là Vật Tướng. 
Tướng thuật giống như một cây có nhiều cành lá, sinh ra nhiều môn phái khác nhau, nên nhiều người nghiên cứu tướng thuật cho rằng nếu như hình mạo đã có thể tỏ rõ quý tiện cát hung thì những vật phẩm gần gũi với con người cũng có thể tỏ rõ thị hiếu, tính tình của con người và đương nhiên cũng có thể căn cứ vào những vật đó để dự đoán cát hung. 
Ngoài việc liên tưởng từ hình mạo, sự ra đời của môn vật tướng còn có liên hệ mật thiết với tục « vật chiêm » của người thời cổ. « Vật chiêm » là thông qua cảnh vật tự nhiên để dự đoán cát hung. Tục này đã được ứng dụng rộng rãi trong dân gian trong mọi thời kỳ lịch sử ở Trung Quốc. Vào thời Hán đã có thuật xem tướng gió, căn cứ vào hướng gió, sức gió và thời gian gió thổi để đoán cát hung. « Thái Bình ngự lãm » quyển 9 đã trích ghi bài « Tướng phong phú » của Trịnh Huyền và bài « Tướng phong phú » của Trương Hoa, tức là coi gió cũng có điềm lành và điềm gở. « Thái Bình ngự lãm » quyển 872, mục điềm lành có nói : « Phù Thụy đồ » nói : Tướng phong là gió tốt, còn gọi là cảnh phong. Mùa Xuân thì phát sinh, mùa Hạ thì mạnh đủ (tưởng doanh), mùa Thu thì Thu tàng, mùa Đông thì an ninh ». Phần điềm gở dẫn Sử ký : « Cuối đời Ân Trụ, gió lớn thổi xiên bò ngựa, làm đổ nhà bật cây, tràn lan mấy chục dặm. Chu bèn diệt Ân ». Theo nhìn nhận của người xưa thì gió, núi sông... mọi vật tự nhiên đều hàm chứa điềm lành điềm gở, chỉ có điều chưa được người ta hiểu mà thôi. Con người với tư cách là vạn vật chi linh, sống trong thế giới vật chất này, đem những điềm lành, gở của các sự vật, hiện tượng liên quan đến con người gán vào cho con người, đó là thành quả tư tưởng của các Vật tướng gia. 
Vật tướng còn phân loại các vật phẩm khác nhau để xem tướng như xem tướng Ấn, xem tướng Chữ, xem tướng Tên, xem tướng Hốt... 
Phép xem tướng Ấn là phương pháp căn cứ vào quả ấn và những chữ triện khắc trên ấn chương để đoán cát hung họa phúc. Người đầu tiên đề ra phép xem tướng này, hiện nay chưa có kết luận nhất trí. « Thái Bình ngự lãm » quyển 683 dẫn « Tướng ấn thư » : « Phép xem tướng Ấn, vốn do Trần Trường Văn đề ra... đoán cát hung đúng tới 8, 9 phần. Trọng Tướng hỏi Trường Văn học phép này ở ai, Trường Văn trả lời : « gốc từ thời Hán », lại dẫn « Tướng Ấn kinh » : « Ấn có 8 góc hoặc 12 góc. Ấn cần phải vuông vắn, trên ổn dưới phẳng, sáng láng sạch sẽ, như vậy thì đều lành ». Về những trước thuật về phép xem tướng ấn, ngoài hai cuốn « Tướng ấn thư » và Tướng ấn kinh » mà « Thái Bình ngự lãm » dẫn ra, « Tùy thư – Kinh Tịch chí » có ghi chép : « Tướng bản ấn pháp chỉ lược sao của Vĩ Thị và « Trình Thâu Bá tướng ấn pháp » mỗi cuốn gồm một quyển, nhưng đều đã thất lạc. 
Phép xem tướng Chữ, còn gọi là « chiết tự », trắc tự ». Phương pháp này chia chữ ra các bộ phận rồi ghép vào chuyện nhân sự để đoán cát hung. Sách « Hữu Đài tiên quán bút ký » thời Thanh viết : « Thuật chiết tự, xưa gọi là xem tướng chữ, thời Tống có Tạ Thạch (xem Hà Cư « Xuân chư kỷ văn », thời Minh có Trương Thừa Tra (xem « Lưu Tích phi tuyết lục »). Phương pháp xem tướng là tùy ý nêu ra một chữ, rồi suy diễn sự liên quan mà đoán cát hung. Bí quyết của phép xem tướng chữ có lẽ là ở chỗ suy diễn sự liên quan mà đoán cát hung. Với thầy tướng đoán chữ, đó là việc sau khi phân tích chữ, suy đoán ra sự cát hung của khách xem tướng. Những thầy tướng giỏi xem tướng chữ có nhiều, trong đó, nổi tiếng hơn cả là Tạ Thạch, Chu Sinh đời Tống, Trương Thừa Tra thời Minh, Phạm Hành thời Thanh.  
« Tạ Thạch (Nhuận Phu) là người Thành Đô. Khoảng năm Tuyên Hòa, đến kinh sư, dùng phép xem tướng chữ để nói họa phúc của người. Người cần xem tướng chỉ cần tùy ý viết ra một chữ, ông sẽ phân tích chữ đó để nói, không lần nào là không nói đúng một cách kỳ lạ. Danh tiếng động đến Cửu trùng (nhà vua), Thượng hoàng liền viết một chữ « Triều », sai Trung Quý nhân đem tới cho Tạ Thạch xem. Tạ Thạch nhìn chữ, rồi ngắm Trung Quý nhân và nói : « đây không phải là chữ của nương nương, song cái nghề mọn của Tạ Thạch này, căn cứ vào chữ mà nói thì hôm nay chịu ơn tao ngộ là ở chữ này. Chữ « Triều », phân tích ra là 4 chữ thập nguyệt thập nhật (mùng 10 tháng 10), nếu không phải là bậc người trời sinh vào ngày tháng này (tức Thượng Hoàng Tống Triết Tông) thì còn ai viết vào đây nữa ? ». Mọi người có mặt cả kinh, Trung Quý nhân trở về tâu lên. Ngày hôm sau, Tạ Thạch được triệu vào hậu uyển, vua lệnh cho tả hữu và cung phi viết chữ đưa cho Tạ Thạch xem, ông nói đều rất chính xác. Hoàng đế ban thưởng rất hậu và phong làm Thừa Tín lang. Từ đó, bốn phương tìm đến xem tướng, ngoài cửa lúc nào cũng đông như chợ ». 
Lại căn cứ vào sách « Lưu Tích phi tuyết lục » nói : Gần đây, những người chiết tự để đoán cát hung, không ai bằng Trương Thừa Tra, ông căn cứ vào chữ, vẽ thành quẻ rồi nói chứ không cần làm gì khác. Đầu niên hiệu Hồng Vũ, có hai ông tham tri chính sự là Lưu công và Vương công đến Triết Giang, đổi Củng Bắc Lâu thành Lai Viễn, rồi yết bảng lên. Thừa Tra đến xem rồi nói : « Nội ba ngày sẽ có việc tang ». Quả nhiên, ba ngày sau, mẹ của Vương công ốm chết. Vương công hỏi nguyên do, Thừa Tra nói : Chữ « lai » có hình chữ « tang », chữ « viễn » có hình chữ « ai », hai dấu chấm bên cạnh là « lệ điểm » (dấu nước mắt) vậy ! Vương công nhờ Thừa Tra đổi chữ khác, liền đổi thành Trấn Hải Lâu. 
Tóm lại, xét về tính chất, loại vật tướng này mang nhiều tính chất bói toán, so với tướng thuật chân chính (tức hình tướng), có khoảng cách rất xa.
Mười Bước Xem Tướng trong "Thần tướng toàn biên"

Coi tướng đàn ông hay đàn bà đều phải có trình tự. Sách "Thần tướng toàn biên" gọi là Thập quan (mười bước xem) và biết như sau: (Chú ý mục này nói thiên về nam tướng nhiều hơn) 

1 - Coi vẻ uy nghi như hổ hạ sơn - bách thú sợ hãi, như chim ưng bay trên trời - cáo thỏ đều kinh. Không dữ tợn mà có uy. Uy nghi là nhờ đôi mắt, lưỡng quyền và thần khí. 

2 - Coi dáng và tinh thần, thân như chiếc thuyền chở vạn hộc thóc, cưỡi sóng to tuy bập bềnh mà không lay chuyển. Lúc ngồi, lúc nằm, lức đứng, lúc đi, thần khí linh hoạt, thanh khiết. Ngồi lâu không mê muội, càng ngồi lâu tinh thần càng sảng khoái như mặt trời mọc ở phương Đông ánh sáng chan hoà vào mắt người, như vầng trăng thu vằng vặc. Diệu thần, nhãn thần như mặt trời mặt trăng sáng lạn, tự nhiên khả ái. Nhìn lâu không mờ. Có những tướng trên không đại quý cũng tiểu quý, chẳng giàu tỷ phú thì cũng bậc triệu phú! 

3 - Coi đầu tròn, đỉnh dầu trán cao vì đầu là chủ toàn thân, nguồn gốc của tứ chi. Đầu vuông, đỉnh đầu cao là người ở ngôi vị cao tới bậc vua chúa. Trán vuông, đỉnh đầu cao khởi là phụ tá lương thần. Đầu tròn thì giàu có và thọ. Trán rộng thì sang quý. Đầu lệch từ nhỏ truân chuyên. Trán vát thiếu niên hư hao. Trán thấp thì hình khắc và bướng bỉnh. 

4 - Thẩm định sự thanh trọc: Thanh hay trọc phải đúng mức, vì Thanh đi quá đà sẽ trở thành hàn. Trọc đi quá đà sẽ trở thành thô và chỉ khi nào có hàn và thô mới coi là xấu. Nếu trong một cá nhân có cả Thanh lẫn Trọc, ta phải tìm xem đó là cách Thanh trung hữu Trọc hay cách Trọc trung hữu Thanh. 

5 - Coi Ngũ nhạc Tam đình

A) NGŨ NHẠC: 
Quyền bên trái là Đông nhạc cần ngay ngắn không thô lộ. Trán là Nam nhạc cần ngay ngắn, không vát, không hãm, không thấp, không thiên tà. Quyền bên phải là Tây nhạc nên đầy đặn, vuông vấnhy tròn trịa, không nên nhọn, lệch, lẹm. Mũi là Trung nhạc nên ngay ngắn, sống mũi trực thượng ấn đường không được vẹo, nhọn, gầy, khúc. 
Sách tướng viết:  
"Ngũ nhạc câu triều quý áp triều ban"  (5 nhạc chầu vàp nhau, chức vị đến bậc tể tướng)  
Chú ý: Lấy mũi làm chuẩn cho sự chầu.  
"Ngũ nhạc thành toàn thì tiền tài tự vượng" 
B) TAM ĐÌNH: 
Gồm có trán, đầu và cằm (xem ở trên) đòi hỏi dài ngắn cân xứng.  
Sách tướng viết:  
"Thượng đình trường thiếu niên mang" (tuổi trẻ vất vả)  
"Trung đình trường phúc lộc sương" (có phúc lộc)  
"Hạ đình trường lão cát tướng" (tuổi già hưởng thụ)  
Nếu tam đình không bình đẳng thì cứ căn cứ ba câu phú đoán trên mà xét. 
6 - Coi Ngũ quan
+ Mi (lông mày) là Bảo thọ quan nên thanh cao sơ tú, cong dài, cách mắt hai phân là tốt. Đuôi mày nên chếch lên phía thái dương gọi là "mi phất thiên sương" (coi ảnh Chu Ân Lai thấy rõ). Người nào có bộ lông mày thô đậm, vàng lợt tán laọn, áp xuống mắt thì thuộc tướng hình hại.  
+ Mắt là Giám sát quan nên đen trắng rõ ràng (phượng nhãn, tương nhãn, long hổ nhãn, hầu nhãn...). Mắt nên có tinh thần ẩn bên trong chớ lộ ra ngoài, trông thấy vẻ tự nhiên thanh tú hoặc tự nhiên có uy lực. Nếu là mắt rắn, mắt ong, mắt heo thường lộ 4 phía lòng trắng (tứ bạch), hoặc có xích mạch (sợi đỏ) đâm ngang con ngươi, trắng đen lẫn lộn, hoặc thần quang quá lộ, hoặc hôn muội là tướng hung, bại ngu tướng.  
+ Tai là Thám thính quan không cứ to nhỏ, chỉ cần luân quách (vành tai ngoài và vành tai trong) phân minh. Tai trắng hơn mặt cực tốt! Thuỷ nhĩ (tai mọng như nước); Thổ nhĩ (tai lớn và dầy); Viên kỳ nhĩ (tai tròn như quân cờ); Điếm não nhĩ (tai áp sát vào đầu, đối diện không thấy); tai cao hơn lông mày, sắc tai hồng nhuận, lỗ tai nhỏ đầu là loại tai tốt tướng. Loại tai chuột mỏng vểnh; tai đuôi tên (nhọn vát); mộc nhĩ (lăn quăn); luân quách phản - đều là tướng xấu!  
+ Mũi là Thẩm biện quan nên đầy nở, thẳng cao. Những loại mũi tốt là: Long hổ tị, tài đồng tị (như ống trúc chẻ), thịnh nang tị (mũi như túi đầy); huyền đởm tị (mũi như trái mật treo). Mũi phải đoan chính không vẹo, không thô, không nhỏ mới hay. Những loại mũi xấu là: mũi chó, mũi chim ưng, mũi nhọn như mũi dao, mũi chia khúc, lỗ mũi lộ, mũi hếch, mũi có sống mũi cao lộ cốt gọi là "cô phong tị". Ai có những mũi xấu kể trên đều là bần, khổ, ác, tham, làm cái gì cũng hỏng.  
+ Miệng là Xuất nạp quan. Miệng tốt tướng là miệng có đôi môi hồng, răng trắng, nhân trung sâu dài, hình dáng như trăng treo hay là vòng cung. Miệng chữ tứ, miệng vuông to như miệng hùm, miệng hình dáng tựa con thuyền bị lật úp, miệng cá ngão, môi ngắn răng lộ, môi đen, môi mỏng miệng thô đều là tướng xấu. Miệng xấu tất bị mười năm khốn khổ! 
7 - Coi lưng, bụng. 
Ngực bằng, đầy, eo tròn, lưng đầy và bụng dưới to hơn, da dẻ mịn màng là tốt. Kỵ lưng thành hố sâu, lưng mỏng, vai so, eo nhỏ (trai thì phải có vai, gái nên vai xuôi, vai nhỏ). Mông cần nở nang, bằng bặn, không nên lớn thô. Bụng nên trễ xuống nghĩa là bụng dưới to. Nếu khoảng trên lớn, khoảng dưới thót là bụng chim sẻ, bụng chó rất xấu.  
Sách tướng viết:  
"Yêu viên bối hậu phương bảo ngọc đới triều y" (Eo tròn, lưng dầy thì ăn lộc của triều đình)  
"Sậu nhiên bất dị khảng khái quá nhân tất chủ phát đạt phú quý" (Tính tình khẳng khái, cương nghị hơn người tất sẽ phát đạt phú quý)  
Riêng về tướng đàn ông, nên để ý câu sau đây:  
"Đầu đại vô dốc, phúc đại vô nang bất thị nông phu, tất thị đổ bác" (Đầu to mà không có góc cạnh, bụng lớn mà không có ụ nổi, nếu không chân lấm tay bùn thì cũng rạc dài cờ bạc)  
Sách tướng viết:  
Nam tử eo nhỏ khó lòng có tiền, thêm yểu triết, ngực ưỡn đít cong thì chịu trăm ngàn cay đắng. Nữ tử thì phải chịu phận nô tì. 
8 - Coi chân tay. 
Tay phải dài, chân phải có bụng chân chứ đừng có sác như que củi, chớ có nổi gân chằng chịt. Bàn tay nên nhiều đường nét lạ, màu sắc hồng nhuận, da thịt mềm mại. 
9 - Coi tiếng nói và tâm trạng. 
Sách tướng viết: "Tâm bất chính tất nhãn gian tà".  
Muốn nhìn sự việc trong tâm thì coi đôi mắt. Mắt hiền mắt ác biết tâm hiền tâm ác. Mắt nhìn lên thì tâm sự cao thượng, mắt trông xuống thì tâm sự băn khoăn. Mắt chuyển động mà không nói là trong lòng nghi ngờ, lo lắng. Mắt tà thị là loại người "khẩu phật tâm xà", ích kỷ hại nhân. Mắt nhìn thẳng thắn là người trung chính. Mắt ác tâm tất ác, mắt hiền tâm tất từ. Ai dư dả tiền bạc, lòng quảng đại vui sướng đều thấy hiện sắc chôn vàng đỏ ở nơi ngoạ tàm (dưới mắt) và ấn đường. Đàn ông tiếng nói như sấm sét, như chiêng đồng, như tiếng vang trong chum, tiếng dài có âm hưởng thì dù tướng mạo không đẹp lắm cũng có thể phú quý. Người nhỏ tiếng lớn, người lớn tiếng oai vệ, thanh âm xuất tự đan điền đều được hưởng phúc lộc lâu dài. Kẻ bần tiện yểu chiết tiếng nói líu ríu, nhẹ bấc, hoặc tán mạn (không tiếp nối đều đặn) hoặc như thanh la vỡ, trống thủng, tiếng khô khan khó nghe. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung