Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Trách nhiệm của Bộ Y Tế ?

Dạo này nghe thiên hạ đồn về các vụ sữa nhiễm độc, rồi chết vì tiêm vắc xin, trẻ sinh non chưa chết nhưng bệnh viện lại trả về và sau đó chết thực sự trong bệnh viện ... nghe - đọc - xem những thông tin trên mà thấy lạnh cả người. 
Theo như hiểu biết nông cạn của 1 người sắp làm cha như tôi và hàng ngày sử dụng những sản phẩm - dịch vụ "đã được Bộ Y Tế cho phép lưu thông ở ngoài thị trường" thì những vụ việc như thế này phải thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y Tế mà đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải có trách nhiệm đối với những người bị hại và đồng thời có trách nhiệm khắc phục hậu quả ...
Thế nhưng, không hiểu có phải vì tôi chưa tìm hiểu thông tin tới nơi tới chốn hay không mà theo những gì tôi đọc được trên các tờ báo chính thống thì:

- Những người có công tố cáo "nhân bản xét nghiệm" tại bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội nhận thưởng 320,000 đồng và không có sự tham gia phát thưởng của Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến ( Nguồn => http://laodong.com.vn/Y-te/Vu-nhan-ban-xet-nghiem-va-le-trao-thuong-khong-hoa-khong-loi-chuc/133275.bld )
- Trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống lại "chết một lần nữa" trong bệnh viện nhi Quảng Nam và không thấy bóng dáng của Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến ( Nguồn => http://mecon.vn/suc-khoe-gia-dinh/tre-suyt-bi-chon-song-khong-qua-khoi )
- 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin VGSV-B tại Quảng Trị trong lúc Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang công tác ở gần đó đã được xác định là do "choáng phản vệ chưa rõ nguyên nhân" và cũng chưa thấy Bộ Y Tế nhận "trách nhiệm vắc xin" trong khi xử lý trách nhiệm chuyên môn phải nhờ tới Bộ Công An cùng các bộ phận khác đồng thời chưa thấy có trách nhiệm gì đối với người bị hại ( Nguồn => http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130728/vu-3-tre-so-sinh-tu-vong-sau-tiem-vac-xin-bo-y-te-day-bong-cho-bo-cong-an.aspx )
- Lô sữa của Fonterra được sản xuất từ tháng 5-2012 đã bị phát hiện vào ngày 3-8-2013 sau hơn 1 năm cung cấp sữa nguyên liệu cho Vinamilk và một số hãng sữa nổi tiếng khác cũng không thấy Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận trách nhiệm trong khâu kiểm định của mình và thể hiện trách nhiệm đối với người dân đã dùng sữa thành phẩm được chế biến từ sữa nguyên liệu nhiễm độc trong suốt hơn 1 năm vừa qua ( Nguồn => http://gafin.vn/20130805042920172p0c36/fonterra-la-nha-cung-cap-lon-cua-vinamilk.htm )
- Ngày 13-8-2013, phát hiện bún nhiễm hóa chất cũng không thấy Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận trách nhiệm trong việc kiểm soát thực phẩm ngoại trừ việc xử phạt "nếu phát hiện" các cơ sở sản xuất bún nhiễm hóa chất ( Nguồn => http://www.tienphong.vn/xa-hoi/641341/Nhieu-tinh-phia-Nam-phat-hien-bun-nhiem-hoa-chat-tpp.html )
- Ngày 20-8-2013, phát biểu trong hội nghị “Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2013 và kế hoạch năm 2014” tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên bày tỏ ý kiến của mình về những vụ việc chấn động nối tiếp nhau xảy ra trong thời gian qua rằng:
1- Trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc thực hiện các quy định nhưng triển khai thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền (theo phân cấp về địa bàn hành chính). 
2- Lấy vấn đề vắc xin làm ví dụ, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ trách nhiệm của Bộ Y Tế là ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tiêm chủng, đôn đốc các đơn vị thực hiện, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm chủng mở rộng, còn tại nơi thực hiện tiêm người tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình, có quy định đầy đủ rồi. 
3- Người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận công tác truyền thông trong toàn ngành còn yếu kém. Dẫn đến tình trạng những việc làm được thì không được nêu nhưng khi có “sự cố”, có sai sót thì bị dư luận phản ứng, không phân định rõ nhiệm vụ nào của người trực tiếp gây ra, nhiệm vụ nào là của giám đốc bệnh viện, nhiệm vụ nào là của giám đốc sở, nhiệm vụ nào là của chính quyền địa phương, nhiệm vụ nào của bộ y tế và các sở ban ngành liên quan, dẫn đến bức xúc.
(Nguồn => http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/136695/bo-truong-y-te--quy-dinh-co-roi--ai-sai-nguoi-do-chiu.html )
Như vậy, tóm lại là:
Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói riêng và Bộ Y Tế nói chung đã làm tròn công tác "quản lý ngành Y Tế" của mình bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và vì vậy không hề có trách nhiệm trong tất cả các vụ việc chấn động vừa qua ?

6 nhận xét:

  1. Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”! => http://sgtt.vn/thoi-su/184424/bo-truong-nen-dam-nguc-va-noi-“loi-tai-toi”.html

    Trao đổi với báo chí, sáng 24.10.2013, về vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (chủ tiệm thẩm mỹ Cát Tường) ném xác nạn nhân xuống sông sau khi bệnh nhân tử vong hôm 19.10.2013, ông Phạm Quang Nghị nói: “Việc này xảy ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người”.

    Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định, mức độ vi phạm của bác sĩ Tường không chỉ về mặt phẩm chất, đạo đức là rất nghiêm trọng với một người thầy thuốc mà ngay cả về mặt lý trí cũng không bình thường. Một vị thầy thuốc không cố ý gây ra hậu quả chết người nhưng một khi việc đã xảy ra rồi thì cũng không thể xử sự như thế. Do đó, xử lý việc này sẽ phải thật cương quyết để còn mang tính giáo dục, răn đe.

    Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, bí thư Thành uỷ Hà Nội trả lời, uỷ ban thành phố không phải nơi cấp phép mà là sở Y tế cấp. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên nhiều ban ngành phải cùng có trách nhiệm xử lý.

    Trả lờiXóa
  2. Đã đến lúc cần đến những “liều thuốc” mạnh hơn vì bệnh đã quá nặng. Và dù đó là “liều thuốc” nào, trước nhất người giữ cương vị bộ trưởng phải dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho giới truyền thông hay cho toàn xã hội. Sự chia sẻ “xót xa, khổ tâm, day dứt” là cần thiết, nhưng cần thiết hơn phải là lời nói “lỗi tại tôi” để làm gương cho những người bên dưới.

    1. Kinh hoàng, phẫn nộ, lên án, đó là phản ứng chung của nhiều người trong những ngày qua về hành vi “vứt xác nạn nhân” để phi tang của Nguyễn Mạnh Tường. Đúng là chẳng còn gì để nói về việc làm phi nhân tính này, người bình thường hành động như thế đã không thể chấp nhận, huống hồ đây lại là một bác sĩ.

    Thật ra chuyện bác sĩ hành động man rợ như thế không phải là cá biệt. Đầu những năm 2000, nước Anh rúng động khi cảnh sát phát hiện bác sĩ Harold Frederick Shipman giết chết 215 người trong quá trình hành nghề từ năm 1978 – 1998. Năm qua, cảnh sát Thái Lan cũng vào cuộc điều tra bác sĩ Supat Laohawattana, người bị tố cáogiết chết ít nhất bốn người rồi thiêu xác họ. Tháng 5 năm nay, báo chí Mỹ lật lại hồ sơ vụ bác sĩ Ali Salim người Pakistan, sống ở Ohio, bị cáo buộc hãm hiếp và sát hại một thai phụ hồi mùa hè 2012.

    So với những vụ việc nước ngoài trên, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường dường như “chẳng thấm” vào đâu. Thế nhưng, trong bối cảnh một xã hội mà những bê bối y khoa ngày càng được phơi bày và nhân lên về mức độ như nước ta, tội ác của người bác sĩ Việt Nam – có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử y khoa nước nhà – lại đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đó có phải là giới hạn cuối cùng cho sự chán chường của người dân về sự xuống cấp của ngành y tế chưa, hay còn phải chờ đến giới hạn nào nữa?

    2. Có thể xem hành động “vứt xác nạn nhân” của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là đỉnh điểm cho sự xuống cấp y đức trong ngành y tế nước nhà. Vậy mà, tại cuộc họp Quốc hội hôm qua (24.10), nói về chuyện này, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ biết bày tỏ sự “xót xa, khổ tâm, day dứt” cùng những hứa hẹn và kêu gọi chung chung. Thật sự thất vọng với cách xử sự như thế.

    Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “tai biến sản khoa”... và nay là cao trào “thủ tiêu xác nạn nhân”, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội.

    3. Thanh tra toàn diện các cơ sở thẩm mỹ, đó là chỉ thị của lãnh đạo bộ Y tế gửi đi các địa phương sau câu chuyện Nguyễn Mạnh Tường. Hành động này chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” trước đó của bộ Y tế sau những sự cố tử vong sản phụ, tai biến sau chích ngừa, phòng mạch “chui” Trung Quốc. Những năm trước đây, có lẽ người dân còn tin tưởng vào những giải pháp xoa dịu dư luận như thế, nhưng hôm nay nhiều người đã quá chán ngán, cạn kiệt niềm tin về chúng.

    4. Ngày 19.10.2013, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường để xảy ra tai biến chết người tại cơ sở thẩm mỹ của mình rồi lẳng lặng mang xác nạn nhân đi vứt. Trước đó một ngày, tại bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân lìa trần trong uất ức vì không được những thầy thuốc cứu chữa kịp thời. Hai sự kiện nghiêm trọng trong hai ngày liên tiếp như minh chứng về sự bất lực trong quản lý của ngành y tế nước nhà. Sau bao nhiêu “liều thuốc” do những nhà quản lý đưa ra, những bê bối trong ngành y tế vẫn không cải thiện mà dường như ngày càng nhiều hơn và tệ hại hơn. Sau “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “thủ tiêu xác nạn nhân” rồi sẽ đến chuyện gì?

    Trả lờiXóa
  3. Bộ trưởng Bộ Y Tế nên từ chức => http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/bo-truong-bo-y-te-nen-tu-chuc.html

    Qua vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường thì lại thấy một điều rằng, lãnh đạo Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận… thế là cứ “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Và rồi, có lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về việc này cả.

    Nói chuyện Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế quận không biết một thẩm mỹ viện hành nghề chui, trái chức năng như vậy… trẻ con không nghe được. Ai cũng thấy một thực tế rằng, bất cứ một cửa hàng kinh doanh nào mới ra đời thì lập tức sẽ có người đến “hỏi thăm”. Một người dân đổ vài thúng cát, vài trăm viên gạch ra đường là lập tức có thanh tra xây dựng của phường, quận xuống “hỏi han”, kiểm tra các loại giấy tờ thủ tục… Có thể nói không có một cái gì có thể qua mắt được các cơ quan chức năng.

    Vấn đề là họ có làm theo đúng quy luật của pháp luật hay không mà thôi.

    Nơi nào biết nói, biết hiểu “vấn đề đầu tiên” là tiền đâu thì sẽ thoát. Thủ tục chưa hoàn thành thì cứ làm xong đi rồi giải quyết sau; hoặc phạt cho tồn tại… nghĩa là những người có trách nhiệm quản lý họ sẽ nghĩ ra đủ mọi kế, mọi mưu để “thông cảm” với đương sự.

    Thế rồi đến khi có việc xảy ra thì họ lấp liếm nói rằng không đủ người theo dõi, kiểm tra… hoặc cấp nọ đổ cấp kia.

    Thẩm mỹ viện Cát Tường đã hành nghề mấy tháng nay, không thể không nói các cơ quan quản lý không biết. Họ biết hết đấy, nhưng họ cũng hiểu rất rõ chỗ nào cần phải “triệt” và chỗ nào cần phải “để”.

    Để chấm dứt tình trạng “tít mù nó lại vòng quanh” như thế này, có lẽ chỉ cần một biện pháp rất đơn giản đó là cách chức ngay Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Trưởng phòng Y tế quận. Bởi vì sinh ra các vị để các vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình mà các vị lại không biết thì để các vị làm gì. Còn nếu cao hơn nữa, và nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức.

    Chúng ta cũng nên học nước ngoài, khi một vụ việc nghiệm trọng xảy ra, bộ trưởng sẵn sàng từ chức ngay. Còn ở chúng ta, văn hóa từ chức xem ra quá xa lạ đối với rất nhiều quan chức. Tất nhiên chúng ta cũng thông cảm rằng, để leo lên được chức nọ chức kia thì họ đã phải phấn đấu bền bỉ rất lâu. Nhưng nếu như cứ hành xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” thế này thì sẽ chẳng bao giờ có ai chịu trách nhiệm cả, và chắc chắn những vụ như kiểu “ông Cát Tường” hoặc các vụ tiêm nhầm thuốc, vô trách nhiệm gây chết người như thời gian qua sẽ còn nhiều.

    Nếu như không dám cách chức, không dám từ chức và cứ lấp liếm tìm cách đổ tội cho những nguyên nhân hoàn cảnh khách quan thì không bao giờ ngăn được nạn tiêu cực và không chỉ riêng ở ngành y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác...

    Trả lờiXóa
  4. Hôm nay tình cờ đọc được bài báo trên tờ Người Lao Động nói về BỘ TRƯỞNG Y TẾ - NGUYỄN THỊ KIM TIẾN.

    Bản tin đưa ra như sau:
    "PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ trở thành người đầu tiên ở Việt Nam được trường Đại học Oxford nổi tiếng của Anh phong hàm “Giáo sư danh dự thỉnh giảng” vào ngày 17-10 tới.

    Trong thông báo vừa phát đi, Trường ĐH Oxford, một trong những ĐH lâu đời nhất thế giới tại Anh, cho biết PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, sẽ được phong hàm “Giáo sư danh dự thỉnh giảng” vào ngày 17-10 tới tại Vương quốc Anh."

    Nhiều lần Thùy Trang thắc mắc Nguyễn Thị Kim Tiến học môn gì để trở thành Tiến sĩ Y Khoa.

    Vào tìm hiểu trong Wikipedia nói về Tiến sỹ Y Khoa Nguyễn Thị Kim Tiến rất mù mờ, không ghi rõ bà Tiến đã được đào tạo từ trường nào, và học môn nào, mà chỉ ghi là:
    "Tiến sĩ Y khoa, học hàm Giáo sư, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Tổng Biên tập Tạp chí Y học thực hành Bộ Y tế."

    Thùy Trang cũng có vài người bạn cùng ngành Y học ở Đại học Oxford và tìm hiểu sự thật xem bà Nguyễn Thị Kim Tiến được Đại học Oxford phong là “Giáo sư danh dự thỉnh giảng” nghĩa là gì vì trong tự điển Việt Nam chưa có cụm từ nầy.

    Người bạn bác sĩ của Thùy Trang ở Đại học Oxford cho biết là bà Nguyễn Thị Kim Tiến học Masters Degree in Nutrition ở Pháp và một bằng Tiến sĩ Bộ môn Dịch tễ học ở Việt Nam.

    Có hai vấn đề cần nêu rõ là bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không phải là một TIẾN SĨ Y KHOA .

    Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa từng học chuyên môn về NGÀNH Y.

    Trước hết cần tìm hiểu về Nutrition (Dinh dưỡng). Ngành dinh dưỡng rất dễ học, bất cứ người nào muốn cũng có thể ra trường vì các môn học về thức ăn dinh dưỡng không thuộc về lãnh vực Medical mà thuộc về Sức Khỏe Công Cộng.

    Về bộ môn mà bà Tiến được phát bằng Tiến sĩ tại SG là môn Dịch tễ học (Epidemiology), môn nầy được gọi là môn "Y tế Công cộng (YTCC)". Môn học nầy tựu trung về chăm sóc sức khỏe , vệ sinh công cộng.

    Dịch tễ học là một môn học khái quát về Y Tế, không phải là chuyên môn trong NGÀNH Y như một bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến không đủ tư cách để nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế chứ đừng nói gì là chức danh Bộ Trưởng Y Tế.(Chỗ này Chị Thùy Trang nói sai rồi, BT Y Tế đâu cần phải có học hàm, học vị y khoa...là chức danh quản lý hành chính nhà nước-NLG)

    Hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang ghi danh với Đại học Oxford có chi nhánh tại Việt Nam để được đánh giá lại bằng Dịch tễ học của bà.

    Ban Khoa học y tế của Đại học Oxford đã bắt bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải học lại thời gian là 3 năm kể từ tháng 01/7/2013 - 01/7/2016 để được cấp bằng của Oxford.

    Phong hàm “Giáo sư danh dự thỉnh giảng” cũng chẳng gì danh dự vì đây chỉ là Hàm Giáo sư được học lại (chuyển bằng tương đương) Dịch tễ học từ Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh sang bằng của Đại học Oxford.

    Bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải bị học lại thêm 3 năm nữa để có được bằng tương đương. Điều nầy chẳng vinh dự gì mà là một sự sỉ nhục đối với ngành Dịch tễ học của Việt Nam.

    Nguyễn Thùy Trang

    Nguồn => http://nguoilotgach.blogspot.com/2013/10/tim-hieu-ve-tieu-su-ba-bo-truong-y-te.html

    Trả lờiXóa
  5. Thứ Ba, 26/11/2013 18:58

    Theo báo cáo ban đầu của Sở Y tế Bạc Liêu, bé Trần Mỹ Ngọc (5 tháng tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) được tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1 vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 24-11, tại trạm y tế xã Hưng Phú. Bốn giờ sau khi tiêm, bé bị tím tái, được gia đình đưa đến trạm y tế xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), sau đó chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa Phước Long. Mặc dù được các bác sĩ tại bệnh viện này tích cực cứu chữa nhưng bé Ngọc không qua khỏi, tử vong lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày.

    Sau khi sự việc xảy ra, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cùng đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Bạc Liêu, Công an huyện Phước Long, UBND xã Hưng Phú… đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Phước Long để làm việc với gia đình cháu Ngọc. Biên bản làm việc được lập lúc 15 giờ 45 phút ngày 24-11, giải thích cho người nhà biết nguyên nhân tử vong của cháu Ngọc là do “shock thuốc tiêm ngừa 5 trong 1”.

    Sau khi giải thích nguyên nhân cái chết của cháu Ngọc, các ngành chức năng gợi ý hỗ trợ tiền mai táng cho bé hoặc đưa vấn đề ra pháp luật. Cuối cùng, các bên đi đến thống nhất gia đình nhận hỗ trợ tiền mai táng 40 triệu đồng với điều kiện: “không đưa ra pháp luật, không mổ tử thi, không khiếu nại về sau…”.

    => http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vu-be-gai-chet-sau-khi-tiem-quinvaxem-40-trieu-dong-mua-su-im-lang-20131126053252180.htm

    Lê Uy Lực
    34Thích
    26/11/2013 19:09
    Ngay trong chương trình Cuộc Sống Thường Ngày phát trên VTV1 lúc hơn 6 giờ chiều ngày hôm nay, 26/11/2013, phóng viên chương trình có nối máy với ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu thì nghe ông mạnh mẽ khẳng định bé gái chết "không phải do sốc thuốc tiêm chủng mà là do viêm phổi". Thưa bà bộ trưởng bộ Y Tế, lính lác của bà nói dối rất giỏi !

    Trả lờiXóa
  6. Hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh ở mọi nơi đủ là lý do để hành động nhanh, với y đức, với tình người.
    Thật lòng, ngành y cũng đã tạo điều kiện để bà Tiến chứng minh tấm lòng của mình với các bệnh nhi, nhưng cũng đủ cẩu thả đến mức cho thấy bà Tiến không có khả năng đội mũ nón y tế cho đúng cách cơ bản khi đi thanh sát. Nhiều người đã bật cười về điều đó.
    Uất nghẹn, và đè nén, nhưng họ chỉ được trả lời bằng những phát biểu vô hồn của bà bộ trưởng như “chưa đủ điều kiện để công bố dịch sởi” hoặc “muốn công bố dịch phải xin ý kiến”.
    Năm 2003 đã có chuyện giấu diếm dịch Sars. Năm 2008, lại cố ý nói trại đi dịch tả là “tiêu chảy cấp” để làm nhẹ đi tình hình. Những tiền lệ đó, nếu tiếp tục nối dài đến đại dịch sởi này, gọi đúng tên, là ô nhục.
    Tôi không biết ai có suy nghĩ gần với mình, nhưng tôi chính thức mở lời kêu gọi bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức ngay.
    Ở đây không phải là sự tức giận đòi hỏi bà phải bị trừng phạt vì những sai lầm vẫn có từ trước, hay đang đang diễn ra, mà lời kêu gọi bà nên từ chức để những người thật sự có khả năng bước vào vị trí này để cứu người.
    Từ chức vào lúc này để nhận được sự trân trọng, và để đánh động toàn bộ ngành y dốc lực vào sự kiện đang quá cấp bách này.
    Cũng không riêng gì bà Nguyễn Thị Kim Tiến mà nhiều quan chức khác cũng nên tập dần cách hành xử văn minh này, vì so với nhân dân, chính họ là người đang được thụ hưởng những giá trị văn minh nhiều nhất.

    'Bộ trưởng Y tế nên từ chức' => http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/04/140417_health_minister_responsibilities_tuankhanh.shtml

    Trả lờiXóa

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung