Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

"XE CHÍNH CHỦ" Bộ GTVT vs Bộ Công An

Ngày 27-3-2013, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời trên website của Bộ Công an về các vấn đề liên quan đến việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện được đề cập tại Thông tư 11/2012 của bộ này.
Quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự. 
Ngay Bộ luật Dân sự cũng quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ, cần phải được đăng ký, quản lý. 
 “Bộ Công an thấy xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện xuất phát từ lợi ích của người dân, đảm bảo quản lý nhà nước về an ninh trật tự và hoàn toàn khả thi
Vì vậy, Bộ chính thức đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

Tại dự thảo mới nhất (lần 6) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt mà Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố:
Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm "rởm" đã bị loại bỏ mặc dù Bộ Tư pháp, Bộ Công an đều muốn xử phạt xe không chính chủ.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ Vận tải, thành viên Ban soạn thảo Nghị định 71 sửa đổi cho biết: 
Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. 
Hiện Bộ vẫn đang tiếp thu ý kiến thẩm định đó và giải trình với Bộ Tư pháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói:
Tôi cũng có ý kiến tương tự như các luật sư khi cho rằng việc sang tên đổi chủ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự chứ không phải của luật giao thông đường bộ
Lâu nay, người ta vẫn nói đến một nguyên tắc kinh điển của quan hệ dân sự về mặt dân sự: 
“việc dân sự cốt ở các bên” cho nên hợp đồng về dân sự được coi như là luật giữa các bên. 
Khi quan hệ dân sự không phương hại đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác thì nhà nước không can thiệp vào thỏa thuận giữa các bên.
Ông Quyền cho rằng,
 “trong trường hợp quy định xử phạt đối với các trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua bán xe trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, tôi thấy đã dùng quan hệ hành chính nhà nước để can thiệp vào quan hệ dân sự. 
Ở đây, người không sang tên đổi chủ thì phải sẵn sàng chịu rủi ro khi có tranh chấp xảy ra và tự chịu trách nhiệm khi có rủi ro đối với tài sản đó. Việc nhà nước có quản lý được hay không đó lại là một góc độ khác về quản lý hành chính nhà nước. Hai việc này phải tách bạch ra, không nên ghép vào. 

Và tôi cũng đã đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giám sát xem quy định này trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP có gì mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự không về quyền tài sản nhưng đến giờ cũng chưa thấy ai lên tiếng cả. 


Người ta rất hãn hữu dùng quan hệ hành chính nhà nước can thiệp vào quan hệ dân sự’.
“Theo tôi nghĩ, có thể quy định xử phạt đối với các trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua bán xe trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP không vi phạm vào điều nào cấm của luật nhưng nó đã vi phạm vào nguyên tắc về những mối quan hệ pháp luật – đã là quan hệ dân sự thì do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro. Như vậy, quy định này không phù hợp với Nghị định 71/2012/NĐ-CP và nên loại bỏ nó ra khỏi Nghị định này”, ông Quyền nói tiếp.
Ông Quyền cũng cho biết vì coi xe là nguồn nguy hiểm cao độ nên các chủ xe đã phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe rồi.
Qua việc đưa Nghị định 71/2012/NĐ-CP vào thực tiễn gây hoang mang cho người dân, ông Quyền cho rằng “khi hoạch định chính sách, chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể. 
Tức là người tham mưu, hoạch định chính sách không phân tích cho người có thẩm quyền về các mối quan hệ pháp luật dựa trên những nguyên tắc pháp lý của nhà nước pháp quyền. 
Nhưng cũng có thể là người tham mưu thấy không trái quy định nào của luật nên đã đưa vào Nghị định. 
Đây là bài học cho công tác tham mưu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 
Trao đổi với PV báo Người lao động, Bà Lê Thị Nga - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, Nghị định 71 về xe chính chủ còn sai luật và không khả thi, mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước.

- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là Nghị định 71/CP đã trái thẩm quyền hoặc vi hiến khi cản trở quyền sở hữu tài sản của công dân. Bà nhận định như thế nào?

- Thứ nhất, việc giao CSGT có thẩm quyền xử phạt là không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm "sự phù hợp giữa quy định dự thảo với điều kiện thực hiện". Các nghị định trên đều giao CSGT có thẩm quyền xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông. 
Muốn phạt được thì trong hàng triệu trường hợp vi phạm giao thông, CSGT phải xác định ai là người chủ đích thực của phương tiện chưa chuyển quyền. Việc giao CSGT nhiệm vụ "truy tìm" chủ xe thông qua việc giữ người điều khiển vi phạm vừa không đúng với chức năng là lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa không khả thi. 
Thứ hai, không thể yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó vì không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt. 
Thứ ba, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh thuộc người có thẩm quyền xử phạt. 
Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.
- Bà nhìn nhận thế nào về mức phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71/CP?
- Số tiền 1,2 triệu đồng một xe máy, đối với người khá giả là không lớn nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên... là không nhỏ; còn 10 triệu đồng một ôtô thì kể cả người khá giả cũng là vấn đề. Mức phạt quá cao làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách lách luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho CSGT. 
Bà Lê Thị Nga cho rằng:
Phương án do một vài chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đưa ra là tạm hoãn thi hành việc xử phạt chủ phương tiện giao thông không chuyển quyền sở hữu là giải pháp “hoãn binh” chứ không phải là sự thừa nhận tính thiếu khả thi của Nghị định 71/CP.
Bà Nga kiến nghị: 
Chính phủ cần sớm xem lại Nghị định 71/CP. 
Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nên phối hợp giám sát và tổ chức một phiên giải trình về việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc ban hành nghị định trên.

1 nhận xét:


  1. Liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ:
    Sẽ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường
    06:12:00 26/11/2013, cập nhật cách đây 1 giờ
    Đó là một trong những quy định mới quan trọng trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được nhiều người dân quan tâm.
    Cụ thể, đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn đến 7 ngày, số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm nhiều so với trước đây, Nghị định mới ban hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ…

    Trả lờiXóa

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung