Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Thực phẩm độc hại tràn lan

Nhằm kiếm tiền trên thân xác của đồng loại, các tiểu thương đã không ngần ngại sử dụng hóa chất vào các loại thực phẩm thiết yếu. Trách nhiệm của Bộ Y Tế trong vấn nạn Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm không rõ nét là nguyên nhân chính để các loại thực phẩm độc hại tràn lan trên thị trường.

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho biết, tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... các nhà sản xuất ớt bột, ớt khô sử dụng Rhodamine B rất nhiều. Hiện tượng Rhodamine B trong tương ớt cũng được phát hiện đầu tiên ở khu vực miền Trung.
Rhodamine B là một chất màu đỏ tươi, hình thức rất hấp dẫn. Đây là chất hóa học, dùng cho công nghiệp trang trí, in trên tranh vẽ, trên bảng quảng cáo, pha vào sơn để lên màu đẹp. 
Chất Rhodamine B cũng có khả năng phát huỳnh quang nếu chiếu dưới ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại. 
Chính vì màu sắc bắt mắt nên Rhodamine B đã được đưa vào sản xuất thực phẩm. 
Đối với tương ớt, ngoại trừ ớt xanh và ớt vàng, quả ớt khi chín, có màu đỏ tươi rất đẹp nhưng khi đưa vào sơ chế, chế biến ớt, máu sắc bị biến đổi, không còn màu đỏ tươi như trước. 
Bởi vậy, đề tạo lại màu sắc đỏ tươi, bắt mắt, Rhodamine B đã được đưa vào sản phẩm để tạo màu sắc đồng nhất. 
Trong quy trình sản xuất dầu ăn, để tiết kiệm thời gian và điện, một chủ cơ sở ép dầu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cắt nhỏ lốp xe bỏ vào máy ép đậu phộng.
Tại cơ sở ép dầu của ông Trương Căn (SN 1956, ngụ thôn Châu Lâu), trong quá trình ép dầu, để cho máy chạy nhanh, con trai ông Căn là Trương Công Thạnh (SN 1985) đã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với đậu phộng. 
Theo trình báo, có 30 hộ dân đã ép dầu tại nhà ông Căn. 
Số dầu ăn bị trộn lốp cao su khi ép ước tính hơn 2.000 lít. 
Hiện tại giá mỗi lít dầu ăn được người dân bán với giá 90.000 đồng. 
Ngoài ra còn nhiều người ép dầu tại nhà ông Căn nhưng chưa trình báo.
Ông Căn cho biết:
Trong lúc ép máy bị nghẹt nên con tôi dùng ruột cao su xe đạp, Honda cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho khỏi bị nghẹt.
Ông Căn hứa sẽ bồi thường, tuy nhiên cho đến nay, hơn 30 hộ dân trên vẫn chưa được ông Căn thực hiện lời hứa.

Theo tiết lộ của một phục vụ quán cơm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức, TP.HCM) thì chỉ cần 1 muỗng canh loại bột màu trắng có thể "hóa phép" cho 10 kg gạo nở bung trắng đều, hạt to mẩy khi đã chín thành cơm tương đương như khi nấu 20 kg gạo thông thường mà không mất nhiều công.
Loại gia vị này được chủ quán cơm cho biết mua tại chợ Bà Chiểu. 
Trên bao bì của loại hóa chất này hầu hết bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác hay hạn sử dụng. 
Xé vỏ giấy ra thì thứ bộ trắng, nhỏ mịn như đường cát này có mùi thơm nhẹ. 
Những người có trong nghề gọi bột này là bột nở có tác dụng làm thịt nhỏ to ra gấp 2, hạt gạo ngâm đem hấp lên to ra gấp 2,3 lần mà chẳng cần công sức gì cả.
Ngày 10/7/2013, lực lượng chức năng TP. HCM phát hiện xe khách mang biển số 76K-4379 lưu thông trên QL1, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, với nhiều biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra.

Khi mở cửa dưới gầm xe khách, cơ quan chức năng phát hiện có 7 thùng xốp chứa 577 kg heo sữa đã bốc mùi hôi thối, rỉ dịch, xuất huyết da.

Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Tài xế cho biết:
Số heo này được một người nhờ vận chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi vào bến xe Miền Đông (TP.HCM), khi đến nơi sẽ có người ra nhận hàng.
Đến chiều cùng ngày, gần 600kg heo sữa bệnh trên được đưa đi tiêu hủy hoàn toàn.

Nếu không bị phát hiện, số heo này sẽ được đưa đến các lò heo quay để chế biến rồi bán cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết,
Trong tháng 6 vừa qua, qua kiểm tra các chợ đầu mối trên địa bà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, 25 mẫu rau ngót thì có tới 7 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép. 
Còn trong 25 mẫu mướp đắng, có 2 mẫu bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 23 mẫu an toàn. 
Kiểm tra 30 mẫu cá tai một số chợ trên địa bàn Hà Nội bao gồm cá tầm, cá trê, cá quả đã phát hiện 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh NitroFurans. 
Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da, NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện đang sử dụng cả cho người. 
Với những thực phẩm nhiễm hóa chất này, ngoài chuyện tích tụ trong cơ thể người gây ra các bệnh nan y còn có thể khiến cơ thể bị nhờn, kháng thuốc khi điều trị một số bệnh.

Hai loại chất này đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung