Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: nói giỏi !

Mấy ngày gần đây, dư luận đã và đang liên tục xôn xao bàn tán về vai trò, năng lực của các vị lãnh đạo ở nước ta, đặc biệt là khi đang có rất nhiều người ủng hộ việc cần có một danh hiệu để vinh danh những nhà quản lý tài ba - công bộc xuất sắc của nhân dân ví dụ như danh hiệu 'Công bộc Nhân dân'.
Đã có nhiều bài báo đưa ra đánh giá rất tốt và đề cử Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng  bởi họ đang là 'tư lệnh' quản lý hai ngành vô cùng quan trọng của nước ta, hơn nữa, tên tuổi của cả hai hiện nay đã nổi như cồn bởi mọi phát ngôn, hành động của hai vị luôn gây được tiếng 'vang' lớn, trở thành tâm điểm của truyền thông và dư luận. 
Tuy nhiên, dường như đang có một thiếu sót rất lớn bởi không biết mọi người đã vô tình hay cố ý không nhắc tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Người Việt Nam vẫn hay nói với nhau rằng với tất cả mọi việc, vấn đề quan trọng nhất bao giờ cũng phải là vấn đề đầu tiên, mà đầu tiên có nghĩa là tiền đâu. Điều này cho thấy đồng tiền có sức mạnh rất lớn, có thể chi phối rất nhiều vấn đề và người quản lý nó, tất nhiên cũng là nhân vật vô cùng quan trọng.

Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, khi cuộc sống của người dân đang bị bủa vây bởi trăm ngàn nỗi lo lắng, vật giá leo thang, thuế, phí chồng lên nhau cao ngất ngưởng... tình trạng này thậm chí đã khiến rất nhiều người không dám nhìn thẳng, đối diện với thực tế mà chủ yếu sống dựa vào niềm tin, vào ngày mai. Và Thống đốc Bình đã có công không nhỏ khi mang đến cho người dân nhiều lời hứa, để mọi người có thêm động lực sống và tiếp tục hy vọng vào mọi thứ tốt đẹp trong tương lai.

Cách đây không lâu, Thống đốc Bình đã hứa với Quốc hội và nhân dân sẽ đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Khỏi phải nói, lời hứa ấy có tác dụng với người dân như thế nào, bởi trong đời ai chẳng có ước mơ sở hữu một ít vàng. Vàng không chỉ là biểu tượng cho quyền lực mà còn thể hiện sự no đủ, sung túc và nếu giá vàng xuống thấp, mỗi người dân đều có vài cây để trong két sắt thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới. 
Và hiện nay, sau hơn một năm thực hiện, chênh lệch giá vàng đã được đẩy lên tới vài triệu đồng mỗi lượng, trong thời điểm hiện nay ổn định ở mức chênh từ 4-5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. 
Mọi người cho rằng đó là thất bại ư? 
Tất nhiên không, đó là thành công chứ bởi ít nhất có thời điểm giá vàng đã xuống chỉ còn cách thế giới hơn 3 triệu. 
Không những thế, Thống đốc còn là người có vai trò không nhỏ trong việc mang đến cho người dân một quan niệm mới 'vàng chính chủ'. 
Sự ra đời của vàng chính chủ không những góp phần thực hiện mong muốn của các vị lãnh đạo ngành Ngân hàng là có thể ổn định giá vàng, chống buôn lậu mà dường như còn chống luôn cả việc người dân mua bán các loại vàng khác, vàng kém ngoài SJC, quả thật là nhất cử lưỡng tiện.
Và việc làm quan trọng nhất mà Thống đốc Bình đã làm được trong thời gian vừa qua đó chính là giải cứu thị trường bất động sản, lo cho dân mảnh đất, ngôi nhà với gói giải cứu 30.000 tỷ đồng. Kinh tế khó khăn, 30.000 nghìn tỷ đâu phải là con số nhỏ. Vậy mà với sự quyết đoán và nhanh chóng của Thống đốc, số tiền lớn này đã nhanh chóng được bơm vào thị trường bất động sản.

Mặc dù hiện nay, theo thống kê, số lượng người được vay vốn sử dụng gói giải cứu này chưa đủ đếm trên đầu ngón tay nhưng nỗ lực và tinh thần vì nhân dân của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước là không thể phủ nhận.


Bên cạnh những đóng góp to lớn cho xã hội, hình ảnh Thống đốc bình còn lưu lại ở trong tâm trí người dân với những phát ngôn vô cùng ấn tượng, thể hiện bản lĩnh và tầm vóc của nhà quản lý lớn, công bộc hết lòng vì dân vì nước.


Ngày 13/11/2012, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sau khi dẫn lại lý thuyết “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong kinh tế học đã đạt giải Nobel (không thể đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá cùng lúc), Thống đốc Bình cho rằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu.

“Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”, Thống đốc Bình nói.
Thống đốc Bình còn một mặt nữa rất đáng được biểu dương tinh thần chính là luôn bền chí, hết lòng với nhiệm vụ dù những đóng góp của ông vẫn chưa được nhiều người nhìn nhận đúng. Sau khi biết mình là người xếp thứ 3 từ dưới lên trong danh sách tín nhiệm của đại biểu Quốc hội kỳ họp vừa rồi, Thống đốc đã mạnh mẽ đối diện với thực tế và phát biểu rằng:
“Giả sử chúng ta không làm gì cả, chúng ta yếu kém, nhận kết quả đánh giá như vậy thì đáng rồi, không còn gì bàn cãi. Nhưng thực tế là chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, phát huy hết trí tuệ và đạt được những kết quả mà xã hội thừa nhận, cân đong đo đếm được. Đúng là có nỗi buồn vì chúng ta chưa được hiểu đúng”.
Vì vậy mà dù chưa được mọi người hiểu đúng, Thống đốc vẫn hăng say thực hiện các nhiệm vụ của mình, lãnh đạo ngành ngân hàng ổn định kinh tế, với mục tiêu đưa đất nước qua cơn khủng hoảng.

Với những đóng góp to lớn và phẩm chất đáng ghi nhận ấy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu 'Công bộc Nhân dân'.

Nguồn => http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201307/cong-boc-nhan-dan-noi-gioi-lam-nhanh-nhu-thong-doc-binh-2217757

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung