Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Bộ trưởng Bộ Y tế nên nhận trách nhiệm

Xung quanh vụ 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị và cách hành xử của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, để làm rõ trách nhiệm của "tư lệnh lĩnh vực"- người đứng đầu ngành y tế.
- Những ngày gần đây, vụ việc 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị đang khiến nhiều người quan tâm, một số người tỏ ra bất an. Ông có theo dõi diễn biến sự việc này?
Vụ việc 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đang khiến nhiều người quan tâm, và tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi cháu bé chào đời là niềm vui, niềm động viên của mỗi gia đình. Do vậy, việc tiêm chủng viêm gan B để các cháu bé lớn lên khỏe mạnh là mong muốn tất yếu của những người làm cha mẹ. 
Các cháu mới chào đời chưa lâu thì đã sớm bị cướp đi sinh mạng. Tôi nghĩ, để xảy ra sự việc đó… thật đáng buồn!
- Khi biết thông tin đó, rất nhiều người bày tỏ sự thương cảm, không ít người dù không quen biết gia đình nạn nhân cũng bật khóc. Dư luận cũng bày tỏ sự thất vọng khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang có mặt ở Quảng Trị nhưng không có động thái thăm hỏi các gia đình có con bị tử vong. Ý kiến của ông về cách hành xử này?
Khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế nhanh chóng cử người điều tra, làm sáng tỏ vụ việc thì tôi cho rằng đây là việc làm có tính trách nhiệm cao. 
Việc chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm là tất yếu, nhưng nếu có thể, Bộ trưởng nên đích thân dành thời gian tới xin lỗi, chia buồn, động viên gia đình để giảm nỗi đau mất mát. 
Tôi thấy, ở các nước, trong những tai nạn nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong, thương vong, Thủ tướng có lúc còn tổ chức những ngày tang lễ hoặc tới trực tiếp chia buồn. Đó vừa là cái tâm, cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo. 
Bộ trưởng công tác ở ngay Quảng Trị, nơi xảy ra vụ việc mà không đến thăm hỏi, theo tôi đó là điều đáng tiếc!
- Bộ trưởng Y tế có giải thích với báo chí, do lịch công tác được sắp xếp kín nên không thể đến thăm. Có phải lịch làm việc của lãnh đạo đã xếp thì “bất di bất dịch”, thưa ông?
Công tác cán bộ nói chung, với Bộ trưởng Bộ Y tế nói riêng là những việc bình thường phải làm hàng ngày. Với vụ việc đột xuất này, Bộ trưởng nên tạm gác lại các công việc, hay việc gì có thể thì nên chỉ đạo các Thứ trưởng làm thay, nên đích thân đến thăm, chia buồn, động viên gia đình. 
Đây là vụ việc nhạy cảm, đòi hỏi sự linh hoạt của người làm chính trị.
- Bộ trưởng Tiến cũng khẳng định, sẽ công khai, minh bạch nguyên nhân: “Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”. Nhiều người cho rằng phát ngôn của Bộ trưởng Tiến quả là khó hiểu. Ông có nghĩ như vậy?
“Xử lý vắc xin” là xử lý gì? (Cười). Tôi hiểu ý Bộ trưởng Tiến, là người nào sai thì phải chịu trách nhiệm. 
Đúng. Về lý mà nói, bộ phận nào sai thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm: chất lượng vắc xin không tốt do cơ sở sản xuất, thì cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm; do quá trình lưu thông, bảo quản, hay do cán bộ sử dụng chưa đúng quy trình… thì bộ phận phụ trách chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm chuyên môn, trách nhiệm trước pháp luật. 
Nhưng còn cái gọi là “trách nhiệm chính trị”, là “tư lệnh” đứng đầu ngành y tế thì tất cả những vấn đề liên quan dù trực tiếp, hay gián tiếp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng hình ảnh của ngành thì Bộ trưởng phải đứng ra nhận trách nhiệm xin lỗi dân chứ. Sau đó, phải chỉ đạo đến nơi đến chốn để ngăn cản sự việc không tái diễn nữa. 
Nếu người bình thường chỉ nói đến trách nhiệm chuyên môn và pháp luật thì được, Bộ trưởng bỏ qua trách nhiệm chính trị, không nhắc đến là chưa đủ.
- Đây không phải lần đầu phát ngôn của Bộ trưởng Tiến khiến dư luận bức xúc, hoang mang. Nên chăng, người lãnh đạo cần có những phát ngôn đúng mực, thưa ông?
Tôi cũng theo dõi một số chương trình chất vấn của Quốc hội, hay "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" và thấy rằng nhiều phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Y tế còn chưa được chuẩn mực, bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm, thiếu nhận thức xã hội và nhạy cảm chính trị… 
Nói như Bộ trưởng Tiến, “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin” thì không đúng, không đủ, không rõ nghĩa. Vắc xin là sản phẩm do con người sản xuất ra, không phải cụ thể cá nhân, nhóm người nào thì biết chịu trách nhiệm ra sao? 
Hay, Bộ trưởng Y tế từng nói rằng “bà con không được đưa bác sĩ phong bì”, “ai chụp ảnh được bác sĩ nhận tiền thì gửi cho chúng tôi”… đó là những phát ngôn chưa được chặt chẽ, chưa sát thực tế, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân nên chưa được đồng thuận của dư luận cũng dễ hiểu. 
Người xưa thường nói “con dại cái mang” mà, trách nhiệm cụ thể thì người làm sai phải chịu, nhưng Bộ trưởng là người đồng hành nên xin lỗi và nhận trách nhiệm của mình. Dũng cảm nhận thiếu sót trong việc chỉ đạo, quản lý, để từ đó tìm giải pháp khắc phục thì không chỉ hình ảnh của ngành y tế, mà chính hình ảnh Bộ trưởng đẹp hơn trong lòng công chúng. Không nên né tránh trách nhiệm, hay tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho người này, người khác.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Thủy (thực hiện)

1 nhận xét:

  1. Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”! => http://sgtt.vn/thoi-su/184424/bo-truong-nen-dam-nguc-va-noi-“loi-tai-toi”.html

    1. Kinh hoàng, phẫn nộ, lên án, đó là phản ứng chung của nhiều người trong những ngày qua về hành vi “vứt xác nạn nhân” để phi tang của Nguyễn Mạnh Tường. Đúng là chẳng còn gì để nói về việc làm phi nhân tính này, người bình thường hành động như thế đã không thể chấp nhận, huống hồ đây lại là một bác sĩ.

    Thật ra chuyện bác sĩ hành động man rợ như thế không phải là cá biệt. Đầu những năm 2000, nước Anh rúng động khi cảnh sát phát hiện bác sĩ Harold Frederick Shipman giết chết 215 người trong quá trình hành nghề từ năm 1978 – 1998. Năm qua, cảnh sát Thái Lan cũng vào cuộc điều tra bác sĩ Supat Laohawattana, người bị tố cáogiết chết ít nhất bốn người rồi thiêu xác họ. Tháng 5 năm nay, báo chí Mỹ lật lại hồ sơ vụ bác sĩ Ali Salim người Pakistan, sống ở Ohio, bị cáo buộc hãm hiếp và sát hại một thai phụ hồi mùa hè 2012.

    So với những vụ việc nước ngoài trên, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường dường như “chẳng thấm” vào đâu. Thế nhưng, trong bối cảnh một xã hội mà những bê bối y khoa ngày càng được phơi bày và nhân lên về mức độ như nước ta, tội ác của người bác sĩ Việt Nam – có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử y khoa nước nhà – lại đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đó có phải là giới hạn cuối cùng cho sự chán chường của người dân về sự xuống cấp của ngành y tế chưa, hay còn phải chờ đến giới hạn nào nữa?

    2. Có thể xem hành động “vứt xác nạn nhân” của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là đỉnh điểm cho sự xuống cấp y đức trong ngành y tế nước nhà. Vậy mà, tại cuộc họp Quốc hội hôm qua (24.10), nói về chuyện này, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ biết bày tỏ sự “xót xa, khổ tâm, day dứt” cùng những hứa hẹn và kêu gọi chung chung. Thật sự thất vọng với cách xử sự như thế.

    Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “tai biến sản khoa”... và nay là cao trào “thủ tiêu xác nạn nhân”, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội.

    3. Thanh tra toàn diện các cơ sở thẩm mỹ, đó là chỉ thị của lãnh đạo bộ Y tế gửi đi các địa phương sau câu chuyện Nguyễn Mạnh Tường. Hành động này chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” trước đó của bộ Y tế sau những sự cố tử vong sản phụ, tai biến sau chích ngừa, phòng mạch “chui” Trung Quốc. Những năm trước đây, có lẽ người dân còn tin tưởng vào những giải pháp xoa dịu dư luận như thế, nhưng hôm nay nhiều người đã quá chán ngán, cạn kiệt niềm tin về chúng.

    4. Ngày 19.10.2013, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường để xảy ra tai biến chết người tại cơ sở thẩm mỹ của mình rồi lẳng lặng mang xác nạn nhân đi vứt. Trước đó một ngày, tại bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân lìa trần trong uất ức vì không được những thầy thuốc cứu chữa kịp thời. Hai sự kiện nghiêm trọng trong hai ngày liên tiếp như minh chứng về sự bất lực trong quản lý của ngành y tế nước nhà. Sau bao nhiêu “liều thuốc” do những nhà quản lý đưa ra, những bê bối trong ngành y tế vẫn không cải thiện mà dường như ngày càng nhiều hơn và tệ hại hơn. Sau “nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “thủ tiêu xác nạn nhân” rồi sẽ đến chuyện gì? Đã đến lúc cần đến những “liều thuốc” mạnh hơn vì bệnh đã quá nặng. Và dù đó là “liều thuốc” nào, trước nhất người giữ cương vị bộ trưởng phải dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho giới truyền thông hay cho toàn xã hội. Sự chia sẻ “xót xa, khổ tâm, day dứt” là cần thiết, nhưng cần thiết hơn phải là lời nói “lỗi tại tôi” để làm gương cho những người bên dưới.

    Trả lờiXóa

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung