Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Công an phường Thịnh Quang, nói:
Tôi đã chỉ đạo các công an viên, trật tự đô thị không được lập chốt chặn xe. Lực lượng này chỉ được phép hỗ trợ công an phường giải quyết việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, ùn tắc giao thông.
Trường hợp công an phường phát hiện người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm…, thì mới xử lý vi phạm. Lực lượng tự quản, trật tự đô thị, thuộc và được UBND phường trả lương và được công an phường sử dụng để hỗ trợ khi làm nhiệm vụ, ông Hưng nói.Ông Hưng nói:
Để xảy ra sự việc này, tôi thành thật xin lỗi người dân. Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được.
Hiện tại Công an phường Thịnh Quang mới chỉ có một chiến sỹ cảnh sát trật tự, trong khi chỉ tiêu xử phạt được cấp trên giao là 50 triệu đồng/tháng, vì vậy cần có sự phối hợp của lực lượng trật tự đô thị để xử lý xe máy.Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Bá Phương nói:
Qua thông tin báo đăng tải, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã mời ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Công an phường Thịnh Quang để làm rõ sự việc. Qua xác minh thông tin Công an quận Đống Đa đã yêu cầu ông Nguyễn Duy Hưng và tổ công tác bao gồm một cảnh sát trật tự và lực lượng trật tự đô thị Công an phường Thịnh Quang viết giải trình về vụ “Trật tự đô thị chặn xe vì…chỉ tiêu 50 triệu”.
Cụ thể, vào ngày 21-3-2013 tổ công tác của lực lượng cảnh sát trật tự phường Thịnh Quang, có sự hỗ trợ của lực lượng tự quản, trật tự đô thị hỗ trợ tuần tra kiểm soát, nhắc nhở các hộ dân có vi phạm về trật tự quản lý đô thị, lấn chiếm vỉa hè. Lực lượng tự quản, hỗ trợ đô thị thuộc sự quản lý của UBND phường, được phường trả lương và công an phường sử dụng hỗ trợ khi thực hiện công tác.
Khi làm nhiệm vụ, tổ công tác Công an phường Thịnh Quang thấy có dấu hiệu ùn tắc giao thông nên thực hiện việc phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định. Quá trình điều khiển giao thông, cảnh sát trật tự phát hiện một số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Sau khi cảnh sát trật tự ra hiệu lệnh, lực lượng trật tự đô thị hỗ trợ dừng và đưa các phương tiện vi phạm vào xử lý.Về việc giao chỉ tiêu cho phường phạt 50 triệu đồng/tháng, ông Phương khẳng định ông Nguyễn Duy Hưng đã hiểu sai về chủ trương của quận.
Theo kế hoạch của UBND quận Đống Đa về đảm bảo trật tự đô thị, quận đã lập ba tổ công tác kiểm tra, thống kê số hộ vi phạm quy định về trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sau đó giao nhiệm vụ cho các phường phải kiểm tra, xử lý, phải đảm bảo giải quyết được ít nhất 75% số vi phạm. Quan điểm là hướng dẫn, nhắc nhở, những trường hợp cố tình vi phạm tiếp sẽ bị cưỡng chế, xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo nội dung này, phường Thịnh Quang có 120 hộ kinh doanh vi phạm, phải giải quyết ít nhất 90 hộ.
“Có thể do anh em ở phường tính tỉ lệ này nhân với số tiền phạt nếu không chấp hành nên ra mức phạt khoảng 50 triệu đồng chứ hoàn toàn không có chuyện giao chỉ tiêu, đây là do cán bộ cấp dưới hiểu sai, suy đoán như vậy”Thực hư có ra sao thì giải thích “hồn nhiên” của ông Nguyễn Duy Hưng vẫn khiến người ta không khỏi giật mình và nghi ngờ. Bởi chỉ trong khoảng 60 từ thôi, ông Hưng cũng đủ cho ta thấy một phần nào đó “mặt tối” xưa nay vẫn còn đang tồn tại ngầm trong các cơ quan của lực lượng thực thi công vụ.
Theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, tại Chương III, mục 1, có phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong đó không có qui định nào trật tự đô thị được phép trực tiếp xử phạt mà chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý đô thị, cùng với cảnh sát giao thông khi có sự yêu cầu.Vì vậy, việc lực lượng này tự ý lập chốt, xuống đường ngang nhiên “lùa dân” như ở phường Thịnh Quang vừa qua không những gây phản cảm mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật của lực lượng này nói riêng, công an, cảnh sát phường Thịnh Quang nói chung.
Cụm từ “người quen, người nhà, con ông cháu cha” xưa nay vẫn luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm trong các bộ ngành nói chung, và qua lời tiết lộ của ông Hưng, thì hiển nhiên, lực lượng công an cũng không thể nói riêng.Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở Hà Nội có một thời gian, xuất hiện hàng loạt các trường hợp người vi phạm giao thông mạo danh “cháu bác Nhanh” (tức Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc công an TP Hà Nội) chỉ với mục đích để …hù dọa cảnh sát giao thông!
Chỉ vậy thôi, ít nhiều chúng ta cũng nên thông cảm cho ông Hưng, khi mà lực lượng trật tự đô thị không xử phạt ô tô được “vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia…” Nên thay vào đó, để an toàn hơn, họ đành tập trung “múa gậy” với đối tượng dân thường, những người không quen ai cả và đi ….xe hai bánh!
Tất nhiên, tiêu điểm trong lời phát biểu trên của ông Hưng vẫn là chỉ tiêu 50 triệu đồng/tháng mà dư luận và truyền thông xôn xao mấy ngày nay.Có thể nói, câu chuyện chỉ tiêu này khiến người ta không khỏi liên tưởng đến 2 thầy “Min đơ, Min toa” (số hiệu chỉ cảnh sát thời xưa) trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng một thời: “Số Đỏ” của Vũ Trọng phụng.
Thời bấy giờ, hai thầy Min luôn bị cấp trên phạt trừ lương vì can tội không phạt đủ chỉ tiêu mà trên đã giao cho.
Vì vậy, để tránh bị phạt, 2 thầy ngày nào cũng phải mặc quần sooc, không ngại nắng mưa, cầm dùi cui và đạp xe lượn khắp phố để tìm bằng được người dân, phạt từ tiểu bậy, thả chó rông ngoài đường đến vợ chồng cãi nhau… cốt sao cho đủ chỉ tiêu để trình lên các quan Tây và công chức.
Hay nói một cách hài hước hơn, nhiều người cho rằng, công an bây giờ cũng phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc. Không chỉ thực thi và đại diện cho pháp luật, họ còn phải kiêm thêm cả chức năng… nhân viên kinh doanh với chỉ tiêu rõ ràng:
50 triệu đồng mỗi tháng.Thay lời kết:
Thiết nghĩ, trong bối cảnh gần đây, lực lượng công an TP Hà Nội đang tích cực phát động phong trào CAND “vì dân phục vụ” thì sự việc đáng tiếc trên quả thực là một cú sốc lớn, đối với cả lực lượng công an nói riêng và lòng tin của người dân cả nước nói chung.
Khi mà với họ, giờ đây, công quyền chỉ đáng giá với số tiền 50 triệu đồng mỗi tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung