Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

VOV - kênh truyền hình Quốc Hội

Ngày 16-5-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn về chủ trương xây dựng kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam. 
Dự kiến, tổng kinh phí để xây dựng kênh truyền hình này là trên 183,2 tỷ đồng
Theo tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội, trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan để xây dựng đề án cụ thể về kênh truyền hình Quốc hội.
Trên cơ sở đó, VPQH trình ra 2 phương án. 
Phương án 1: Xây dựng kênh truyền hình Quốc hội tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). 
Phương án 2: Xây dựng kênh truyền hình Quốc hội tại VPQH.
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: VPQH thiên về phương án 1 – giao cho VOV là cơ quan chủ quản của kênh truyền hình Quốc hội nhằm tận dụng các thuận lợi vốn có như sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, độ phủ sóng rộng lớn, lại sẵn có chuyên mục “Quốc hội với cử tri” với 80 nhân sự trong biên chế và 120 cộng tác viên.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là việc thành lập kênh truyền hình Quốc hội thuộc VOV sẽ phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này lại mâu thuẫn với quy định của pháp luật: 
Quốc hội là cơ quan giám sát hoạt động của Chính phủ.
Thảo luận, nhiều thành viên UBTVQH tỏ ý băn khoăn về việc xác định ai là cơ quan chủ quản của kênh. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: 
Phương án 2 thì tốn bao nhiêu tiền, kênh hoàn toàn độc lập, mua sắm mới thì hết bao nhiêu tiền, cần so sánh để lựa chọn?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiện thắc mắc:
Tại sao không nhờ VTV mà lại nhờ VOV? 
Chủ nhiệm VPQH giải thích:
Chọn VOV bởi ưu thế hạ tầng và sự tích cực của lãnh đạo VOV trong chuẩn bị đề án.
Chốt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với phương án mà VPQH đề xuất và cũng lưu ý kênh truyền hình Quốc hội VN phải đưa tin phong phú, không chỉ đưa tin hoạt động Quốc hội mà phải cả hoạt động của HĐND nữa.

VOV là gì
- 11h30 phút ngày 7/9/1945: Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức cất tiếng chào đời. Nội dung buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt bắt đầu bằng câu: "Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 
- Ngày 01/6/1946: Đài Tiếng nói Nam Bộ ra đời, Đài có khi lấy tên là Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười hay Đài Tiếng nói miền Nam Việt Nam 
- Ngày 23/10/1946: Hồ Chủ tịch đã nói chuyện trực tiếp với đồng bào cả nước về Tạm ước 14/9/1946 qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 21/1/1947: Hồ Chủ Tịch đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sỹ cả nước. Hồ Chủ tịch viết tặng sư cụ chùa Trầm mấy chữ trên giấy hồng điều: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Cũng tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ghi âm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và chiến sỹ Nam Bộ. 
- Ngày 22/1/1947: Phát thư Chúc Tết của Bác Hồ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (có lời dịch). 
- Ngày 19/5/1947: Đài lại chuyển đến địa điểm sơ tán mới và chỉ xướng danh: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam”. 
- 11 h ngày 2/9/1947: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đài và đọc Diễn văn nhân ngày Quốc khánh. 
- Tháng 4/1949: Tổ chức bộ phận biên soạn tin trong nước cho các báo và các đài. 
- Ngày 10/10/54: Khi bộ đội vào giải phóng Thủ đô, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng với xưng danh: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Công hoà”. 
- Ngày 20/10/1954: Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực sự phát sóng từ Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 
- Đầu năm 1955: Bác Hồ đến thăm Đài. 
- Năm 1955: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. 
- Năm 1960: Thành lập Ban biên tập miền Nam. 
- Năm 1960: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 
- Tháng 01/1961: Bác Hồ đến thăm khu Trung tâm bá âm 
- Năm 1962: Chính phủ quyết định chuyển các máy phát sóng phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện để thống nhất quản lý kỹ thuật vô tuyến viễn thông vào một mối và theo cơ chế hạch toán. Đài Tiếng nói Việt Nam tập trung vào khâu biên tập đến ghi âm và truyền tín hiệu đến đầu đường cáp dẫn đến máy phát. Cũng trong năm này, Đài TNVN được nâng cấp thành một cơ quan trực thuộc Hội Đồng chính phủ. Tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phân thành các ban biên tập tươg đương cấp vụ, cục. 
- 8/1968: Chưong trình phát thanh dành cho ngưòi Việt Nam ở xa Tổ quốc được bắt đầu vào khoảng 24h (giờ VN). 
- Sáng ngày 3/9/1969: Phát bản tin đặc biệt: Thông cáo của Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam về sức khoẻ của Hồ Chủ tịch . 
- 6h sáng ngày 4/9/1969: Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tin Bác mất. 
- Ngày 2/1/1970: Bộ Biên tập triệu tập họp để trao đổi về việc phát thử một Chương trình truyền hình nhân dịp 25 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 7/9/1970: Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm truyền hình thử nghiệm. Đây là buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, chưong trình gồm 15 phút thời sự và 30 phút ca nhạc. 
- Từ 16/4/1972 : Truyền hình phải ngừng phát sóng vì chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân. 
- Ngày 23/12/1972: Máy bay B52 của Mỹ đã rải thảm bom xuống khu vực Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì và Đài Bạch Mai (đồng thời là khu tập thể lớn), phá huỷ cả hai cơ sở phát sóng lớn tại Hà Nội. Hơn 100 gia đình cán bộ của Đài bị mất nhà cửa. Đài Tiếng nói Việt Nam phải ngừng phát sóng 9 phút. Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam lại tiếp tục phát sóng. 
- Tối 27/1/1973: Công bố tin và Văn kiện đình chiến ký kết tại Pari tới thính giả cả nước và một phần châu lục. 
- Năm 1973: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Cục Kỹ thuật phát thanh được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. 
- Năm 1973: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. 
- Ngày 30/4/1975:Tiếp quản Đài truyền hình Sài gòn. 
- Trưa ngày 30/4/1975: Phát tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 
- Năm 1975: Ban Truyền hình tách ra một bộ phận để tiến hành công việc chuẩn bị cơ sở truyền hình ở Giảng Võ. 
- Ngày 16/6/1976: Đài truyền hình TW chính thức phát sóng hàng ngày. Ban Lãnh Đạo đổi tên là Ban Giám đốc. Đài Tiếng nói Việt Nam đổi tên là Đài phát thanh và truyền hình. 
- 11h30 ngày 02/7/1976: Đài Tiếng nói Việt Nam đổi xưng danh thành: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 
- Tháng 9/1977: Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. 
- Năm 1980: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 
- Năm 1984: Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam được tách ra khỏi cơ cấu của Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình, trực thuộc Ban Bí thư TW Đảng. 
- Năm 1987: Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình giải thể, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam trở thành 3 cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ. 
- Ngày 30/4/1987: Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 71-HĐBT, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 29/6/1988: Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 200 – CT về tổ chức bộ máy của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Năm 1990: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. 
- Tháng 8/1993: Chính phủ giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam quản lý các máy phát sóng của toàn hệ thống do Tổng cục Bưu điện chuyển sang, cũng như quản lý nghiệp vụ hệ thống các Đài phát thanh, hệ thống các Đài truyền hình địa phương trong cả nước. 
- Ngày 16/8/1993: Chính phủ ban hành Nghị định số 53-CP, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 7/9/1995: Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Sao vàng. 
- Ngày 02/11/1998: Báo Tiếng nói Việt Nam, tờ báo in của Đài Tiếng nói Việt Nam ra số đầu tiên. 
- 03/02/1999: Tiếng nói Việt Nam chính thức phát thanh trên Internet. 
- Tháng 03/1999: Khai trương Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thái Lan. 
- Tháng 6/2000: Khai trương Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pari (Pháp). 
- Tháng 5/2001: Khai trương Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nga, Trung Quốc. 
- 7/9/2001: Đài Tiếng nói Việt Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. 
- Năm 2002: Khai trương cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ai cập. 
- Năm 2003: Khai trương cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nhật Bản. 
- Ngày 18/7/2003: Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2003/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 19/11/2003: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1287/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 2010. 
- Ngày 10/4/2007, tại buổi làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận một số vấn đề quan trọng đối với Đài Tiếng nói Việt Nam (Thông báo số 67/TB-VPCP). 
- Ngày 04/02/2008: Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2008/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam. 
- Ngày 07/9/2008: Hệ phát thanh có hình chính thức phát sóng, đánh dấu sự trưởng thành của Đài Tiếng nói Việt Nam với đầy đủ các loại hình báo chí hiện tại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung