Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Crimea sáp nhập vào Nga

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai lãnh đạo Crimea vừa đặt bút ký vào hiệp ước sáp nhập bán đảo Biển Đen vào Liên bang Nga đánh dấu sự trở về của vùng lãnh thổ này sau hơn nửa thế kỷ được chính phủ Liên Xô cũ tặng cho Ukraine năm 1954.  Ông Putin phát biểu rằng Crimea "đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga". 
"Cộng hòa Crimea chính thức được coi là một phần của Nga kể từ ngày ký hiệp ước", điện Kremlin tuyên bố vài phút sau khi Tổng thống Putin ký kết hiệp ước với các lãnh đạo Crimea. 
Nhà lãnh đạo Nga hôm nay chính thức kết thúc quyết định dưới thời Xô viết của Nikita Khrushchev trao quyền quản lý Crimea cho Cộng hòa Ukraine thuộc Liên Xô. Putin nói cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea cuối tuần qua về việc sáp nhập vào Nga là một quyết định "quan trọng mang tính lịch sử".
Trong tiếng hát và tiếng nhạc quốc ca Nga, Putin và các lãnh đạo Crimea ký hiệp ước chính thức đưa bán đảo này trở thành trở thành lãnh thổ của Nga. Trong bài phát biểu, ông Putin bị ngắt lời ít nhất 30 lần bởi tiếng vỗ tay, các đại biểu còn đứng dậy, nhiều người rơi nước mắt.
"Trong trái tim và tâm trí của mọi người, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của Nga. Cam kết này, dựa trên sự thật và công lý, đã được khẳng định, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác". 
Tổng thống Nga mô tả bán đảo Biển Đen, căn cứ của Hạm hội Biển Đen, là địa điểm linh thiêng đối với không chỉ Nga mà cả ba dân tộc ở Crimea gồm Nga, Ukraine và Tatar.  
"Điều đúng đắn nhất, mà tôi biết rằng người dân Crimea sẽ ủng hộ, là Crimea sẽ có ba ngôn ngữ bình đẳng là tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Tatar Crimea", Reuters dẫn lời Putin nói.
Ông Putin lên án các nước phương Tây là "đạo đức giả" khi công nhận độc lập cho Kosovo sau khi tách khỏi Serbia, nhưng nay lại bác bỏ quyền tương tự của người dân Crimea. 
"Không thể cùng một vật mà hôm nay nói trắng, mai lại nói đen", ông Putin nói trong tiếng vỗ tay vang dội.
Ông cũng chỉ trích các nước đối tác phương Tây "đã vượt quá giới hạn" trong vấn đề Ukraine và hành xử "vô trách nhiệm". Putin khẳng định cuộc bỏ phiếu hôm 16/3/2014 đã thể hiện nguyện vọng của người dân Crimea là được đoàn tụ với Nga sau 60 năm thuộc về Cộng hòa Ukraine.
Tổng thống Nga cảm ơn Trung Quốc vì đã ủng hộ Nga, dù Bắc Kinh bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề Crimea mà Moscow bỏ phiếu phủ quyết. Ông cũng nói ông từng nghĩ rằng chắc chắn Đức sẽ ủng hộ đề nghị thống nhất của người dân Nga, như Nga từng ủng hộ Đức thống nhất năm 1990.
Và ông cũng tìm cách trấn an Ukraine rằng Nga không cần bất cứ phần lãnh thổ nào khác của họ, trước nỗi lo của Kiev rằng Nga có thể sẽ hành động tương tự đối với khu vực nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine.
"Đừng tin những người cố gắng khiến bạn lo sợ Nga và những người đe dọa rằng các khu vực khác cũng sẽ đi theo Crimea. Chúng tôi không cần lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi chỉ cần điều này", Putin khẳng định. 
Ông cũng chỉ trích các lãnh đạo lâm thời ở Kiev, nói rằng họ đã đi vào con đường "phát xít". "Những người đứng đằng sau những sự kiện gần đây, họ đã chuẩn bị cuộc đảo chính. Họ lên kế hoạch để chiếm quyền và không run sợ trước bất cứ điều gì. Khủng bố, giết người, tàn sát đều đã xảy ra", Putin nói và gọi các lãnh đạo Kiev là "chủ nghĩa dân tộc, phần tử phát xít, bài Nga và bài Do Thái". 
"Đó là những người đang quyết định đời sống của Ukraine ngày nay. Cái gọi là chính quyền Ukraine hiện nay đã đưa ra đạo luật tai tiếng về chính sách ngôn ngữ, trong đó vi phạm trực tiếp quyền của người thiểu số trong quốc gia".
Hàng trước, từ trái sang: Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thị trưởng Sevastopol Alexei Chaliy trong lễ ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga tại Moscow
Cơ quan báo chí của Tổng thống Nga thông báo ngày 17/3/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh "Về công nhận CH tự trị Crimea".
Sắc lệnh nêu rõ tính đến nguyện vọng của người dân Crimea thể hiện trong cuộc trưng cầu ý dân toàn Crimea diễn ra ngày 16/3 vừa qua, công nhận CH tự trị Crimea là một nhà nước độc lập và có chủ quyền, trong đó thành phố Sevastopol có quy chế đặc biệt. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ký. 
Trước đó, Nghị viện Crimea đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết "Về độc lập của Crimea" và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga với tư cách là chủ thể liên bang, trong khi Hội đồng Thành phố Sevastopol cũng nhất trí ra nghị quyết gia nhập LB Nga với tư cách là một thành phố có quy chế liên bang. Kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3/2014 cho thấy gần 97% người dân bán đảo Crimea đã đồng ý tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào LB Nga.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp và xây dựng nhà nước thuộc Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) Dmitry Vyatkin nhấn mạnh sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin là bước đi đầu tiên trong tiến trình tiếp nhận Crimea vào thành phần LB Nga.
Được biết, trước đó, Chính quyền Crimea ngày 6/3/2014 đã gửi thư đến Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Chính phủ Nga xem xét việc Crimea sát nhập vào Liên bang Nga.
Đã có 78 trên tổng số 86 nhà làm luật thuộc quốc hội Crimea bỏ phiếu thông qua đề xuất "sáp nhập vào Liên bang Nga", theo AFP  
“Lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất trên lãnh thổ Crimea là lực lượng vũ trang Nga”, ông Rustam Tergaliev tuyên bố. “Lực lượng vũ trang của bất kỳ quốc gia thứ ba nào cũng là quân xâm lược. 
Quân đội Ukraine phải lựa chọn: bỏ vũ khí, rời vị trí, chấp nhận là công dân Nga và gia nhập quân đội Nga. Nếu họ không đồng y, chúng tôi sẽ chuẩn bị cung cấp cho họ một con đường thoát an toàn để đi từ lãnh thổ Crimea về lại quê nhà Ukraine của họ”.
Các nước phương Tây coi cuộc bỏ phiếu ngày 16/3/2014 của Crimea là bất hợp pháp và ban hành các lệnh trừng phạt với Nga. Và Bộ Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận độc lập của CH tự trị Crimea.
Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 17/3/2014 tuyên bố đối với London và các đồng minh, Crimea vẫn là một phần của Ukraine, đồng thời, tiếp tục kêu gọi Moskva tham gia đối thoại với Kiev và cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng con đường ngoại giao, cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. 
Trong các diễn biến liên quan, sau cuộc gặp với Thủ tướng Italy Matteo Renzi tại Berlin ngày 17/3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ngoại giao là chìa khóa giải quyết tình hình xung quanh Crimea hiện nay. Bà nhấn mạnh phương Tây sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao.   
Reuters cho biết binh lính vũ trang với quân phục không có phù hiệu, nhưng rõ ràng là binh sĩ của Nga, cùng xe vận tải quân sự mang biển số Nga đã xuất hiện ở Khu Tự trị Crimea, miền đông nam Ukraine. Đây cũng là nơi Hạm đội Hắc Hải của Nga đồn trú.  
Trong khi lực lượng được cho là thuộc quân đội Nga tăng cường củng cố quyền kiểm soát Crimea, đã xuất hiện bạo động tại các vùng khác ở Ukraine vào ngày 1/3/2014. Người biểu tình ủng hộ Nga đã xô xát với người biểu tình ủng hộ chính quyền mới tại một số nơi thuộc Ukraine. Ở một vài thành phố thuộc Ukraine, quốc kỳ Nga tung bay trên nóc các tòa nhà chính quyền địa phương, Reuters đưa tin.
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết:
Hành động quân sự từ phía Nga “sẽ là khởi điểm của chiến tranh và là sự kết thúc của tất cả các quan hệ giữa Ukraine và Nga”, Reuters trích dẫn.
Còn Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchinov thì đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya nói ông đã gặp gỡ các quan chức Mỹ và châu Âu, đồng thời cũng đã yêu cầu NATO “xem xét tất cả các khả năng có thể nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Ukraine”. 
Điện Kremlin dẫn phát biểu của ông Putin như sau: 
“Liên quan đến tình hình căng thẳng tại Ukraine và mối đe dọa đến tính mạng của công dân Nga…, tôi (Tổng thống Putin - PV) đệ trình lên Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) một yêu cầu cho phép sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga trên đất Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại đất nước này bình thường trở lại”. 
Và Thượng viện Nga đã cho phép Tổng thống Putin triển khai quân đội sang lãnh thổ Ukraine vào ngày 1/3/2014 .
Cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych phát biểu tại cuộc họp báo
Phát biểu bằng tiếng Nga tại cuộc họp báo ngày 28/2/2014, ông Yanukovych cho biết ông buộc phải rời khỏi Ukraine vì tính mạng bị đe dọa, theo BBC.
“Những tên côn đồ phát xít đã chiếm giữ quyền lực tại Ukraine”, cựu tổng thống Ukraine nói tại cuộc họp báo ở thành phố Rostov-on-Don, phía nam nước Nga và sát với Ukraine. “Chẳng ai lật đổ tôi cả. Tôi bị buộc phải rời khỏi Ukraine trong tình cảnh tính mạng bị đe dọa. Và cả tính mạng của những người thân yêu của tôi”, ông Yanukovych thanh minh. “Tôi định sẽ tiếp tục chiến đấu vì tương lai của Ukraine. Chống lại những kẻ cố chiếm đất nước bằng cách gieo rắc sợ hãi và khủng bố”, BBC dẫn lời cựu tổng thống Ukraine nói. 
Ông Yanukovych còn cho biết thêm rằng chính quyền mới tại Ukraine không có được sự chấp thuận thật sự từ quốc hội.
Khi được hỏi về hành trình rời khỏi thủ đô Kiev, cựu tổng thống Ukraine nói rằng ông rời Kiev để sang thành phố Kharkiv (thành phố lớn thứ nhì tại Ukraine, nằm ở vùng đông bắc), trước khi chuyển đến Donetsk (thành phố công nghiệp miền đông Ukraine), rồi sang Luhansk (cực đông Ukraine), và từ đây ông đến Khu tự trị Crimea.
“Mọi thứ diễn ra ở Crimea hiện đang là phản ứng tự nhiên của người dân đối với cuộc đảo chính côn đồ tại Kiev”, ông Yanukovych nói, đồng thời cho rằng Crimea nên vẫn là một vùng tự trị của Ukraine. 
“Tôi sẽ trở lại Ukraine ngay khi bản thân tôi được an toàn và tính mạng gia đình tôi được bảo đảm”, cựu tổng thống Ukraine cho hay.
Ly giải vì sao chọn Rostov-on-Don (Nga) làm nơi nương náu, ông Yanukovych cho biết ông có một người bạn thân sống tại đây, người đã cho ông chỗ trú ngụ. Cựu tổng thống Ukraine cũng khẳng định ông không nhờ Nga can thiệp quân sự.
 “Tôi tin rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng đều không thể chấp nhận được. Tôi tin Ukraine cần phải luôn thống nhất và không thể chia cắt”.
Ông Yanukovych cho biết ông chưa gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng có trò chuyện qua điện thoại. Ngoài ra, cựu tổng thống Ukraine cũng chỉ trích gay gắt các nước phương Tây, cáo buộc các quốc gia này đã khiến cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở nên tồi tệ hơn.
“Các cuộc bạo loạn và các nạn nhân là hậu quả của cơn khủng hoảng chính trị, là kết quả của các chính sách tắc trách của phương Tây, vốn được phe đối lập cực đoan hưởng ứng”, ông Yanukovych nói.
Ông cũng bào chữa cho hành động của Berkut, đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động được cho là đã nã súng vào người biểu tình, nói rằng họ bị tấn công.
“Tôi chưa bao giờ đưa ra mệnh lệnh cho cảnh sát để bắn (người biểu tình - PV)”, ông Yanukovych nói. Nhưng cảnh sát có quyền phòng vệ, ông Yanukovych nói thêm.
Ông Yanukovych cho biết ông ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa có phản ứng gì về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Do biết về tính cách của ông Vladimir Putin, nên tôi cảm thấy sửng sốt khi ông ấy vẫn giữ im lặng”, cựu tổng thống Ukraine nói. “Tôi phản ứng bất kỳ hành động xâm lăng Ukraine và vi phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, ông Yanukovych nói, 
Khi được hỏi về thông tin cho biết đã có một nhóm người vũ trang mặc đồ lính không phù hiệu chiếm giữ hai sân bay tại Khu tự trị Crimea vào ngày 28/2/2014. 
Ông Yanukovych cho biết ông không hề có thông tin gì về sự can thiệp quân sự của Nga ở Crimea trong tuần này. “Đây chỉ là những tin đồn, tôi không có thêm thông tin gì về vấn đề này”.
Ông Yanukovych kết thúc buổi họp báo với lời cảnh báo đến bất kỳ ai đã lật đổ ông. 
Các người sẽ phải trả giá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung