Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Doanh nghiệp độc quyền công bố lãi khủng !

Tổng kết năm 2013, hàng loạt Tập đoàn, Tổng Công ty đồng loạt công bố mức lãi khủng khiến dư luận xôn xao: VNPT lãi lên tới 9.281 tỉ đồng, EVN lãi hơn 4.000 tỉ, Petrolimex lãi 1.929 tỉ, TCty Khí VN (PV Gas)  lãi trước thuế gần 15.000 tỉ , TCty Phân bón và Hoá chất dầu khí (PVFCCo) lãi 2.500 tỉ, Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin) cũng công bố lãi 3.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) sau 9 tháng đạt lợi nhuận sau thuế 1.915 tỉ đồng, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD) cho biết, ước doanh thu năm 2013 đạt 13.700 tỉ đồng và thu 1.750 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch lợi nhuận gần 400 tỉ đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lãi ròng gần 26.500 tỷ đồng.
Điều đáng nói là số lãi của một số đơn vị có được là nhờ độc quyền. 
Tuy các doanh nghiệp luôn kêu lỗ để tăng giá, nhưng khi công bố kết quả sản xuất kinh doanh lại khiến dư luận.. té ngửa.
Năm 2013, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã 2 lần kiến nghị Chính phủ tăng giá bán điện, mỗi lần tăng thêm 5% đều với lý do các thông số đầu vào biến động tăng. Tại cuộc họp báo công bố giá thành điện mới đây, ông Đinh Quang Tri – Phó TGĐ phụ trách tài chính của EVN - cho biết, doanh thu sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của EVN ước tính đạt 172.000 tỉ đồng, dự kiến lãi 4.000 tỉ đồng, sẽ trích để bù lỗ cho kinh doanh điện các năm trước, vì vậy chỉ EVN còn lãi 120 tỉ đồng năm. 
Nhờ có lãi mà ngành điện đã cân bằng được tài chính, bù lỗ sản xuất kinh doanh lên đến 12.000 tỉ đồng. Chính vì EVN không những không lỗ như tuyên bố trước đó để được tăng giá điện, mà còn bù được cho khoản lỗ trước đó bị treo, khiến dư luận càng hồ nghi ngành này không chỉ lãi 4.000 tỉ đồng như công bố. 
Góp mặt trong danh sách các ông lớn lãi khủng năm 2013 phải kể đến các DN ngành viễn thông. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) ngày 10.1 cũng  công bố con số lãi lên tới 9.265 tỉ đồng, vượt mặt EVN, bằng 189,38% so với năm 2012 (tương đương với mức tăng 4.000 tỉ đồng). Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 13,7%, bằng 160,6% so với mức thực hiện của năm ngoái. 

Còn Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng chẳng vừa khi thông báo ước doanh thu năm 2013 đạt 162.886 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35.086 tỉ đồng, lãi ròng gần 26.500 tỉ đồng và thu nhập của cán bộ công nhân viên tại Viettel đạt bình quân 23,7 triệu đồng/người/tháng.  

Tuy nhiên, trong năm qua, Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông (TTTT) đã công bố nhiều mảng tối trong kinh doanh của các tập đoàn này. 
Như chỉ nội việc quản lý dịch vụ nội dung trên sim di động, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều tự ý tích hợp thông tin trên sim, thu tiền của người dùng mà không thông báo rõ ràng, khiến các “thượng đế” của mình bị rút ruột mà không hay biết. Kết quả là hàng trăm tỉ đồng vào “túi” nhà mạng. 
Hay việc đồng loạt tăng giá cước 3G khiến dư luận đồ rằng các nhà mạng “bắt tay” nhau tăng giá cước, trong khi giải thích của Cục Quản lý cạnh tranh vẫn chưa khiến dư luận nguôi ngoai.
Không ít chuyên gia kinh tế đã hơn 1 lần cảnh báo về việc người tiêu dùng sẽ là người chịu hậu quả cuối cùng nếu cứ tiếp tục để các DN độc quyền tự ý thao túng giá. Bằng chứng là Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) cũng vừa công bố mức lãi được cho là “khủng” 1.929 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận từ mảng kinh doanh xăng dầu là 768 tỉ đồng. Trong khi cả năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex chỉ đạt 978,17 tỉ đồng. 

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - không ngần ngại chỉ ra: 

“Tập đoàn độc quyền lãi khủng là bình thường. Nhưng điều đáng nói hơn ở chỗ, lợi nhuận đạt được đó do anh áp dụng biện pháp gì hay chỉ đơn giản là dựa vào độc quyền, tăng giá sản phẩm?”. Ở các nước, nếu những DN chiếm vị trí độc quyền tăng giá thì lập tức sẽ có cơ quan quản lý cạnh tranh mổ xẻ và không loại trừ, có DN đã phải bị chia nhỏ để không thống lĩnh thị trường. 
Như lời ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ EVN
Nếu hoạch toán chưa đúng vào năm này thì sẽ được tính vào năm sau, khiến dư luận chưa thể an tâm. 
Việc EVN đưa ra các tính toán lỗ lãi, rồi được bộ chủ quản chấp thuận thế là được phép tăng giá đến dưới 10%; sau đó đến cuối năm mới có kiểm toán vào xác định các con số EVN đưa ra là có đáng tin không.
Hay như Tập đoàn Xăng dầu VN vẫn giải thích với dư luận rằng, 
Có thời điểm phải bán xăng dầu dưới giá cơ sở vì liên bộ chưa chấp thuận tăng giá. Ngay cả khi DN vận hành theo Nghị định 84 được chủ động định giá thì vẫn phải chờ ý kiến liên bộ khiến có thời điểm, DN ôm lỗ khi giá thế giới biến động. Nhưng trên thực tế, với tập đoàn chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước thì chỉ cần chậm mua vào, bán ra 1 ngày cũng đã có lãi tới cả tỉ đồng. Cộng với việc điều chỉnh giá theo kiểu giá thế giới tăng, DN tăng ngay, giá thế giới giảm thì... từ từ để DN còn bù những lúc giá tăng không chỉ giúp Petrolimex lãi lớn, mà khiến dư luận và kể cả cơ quan quản lý cảm thông, vì là DN phải “đứng mũi chịu sào”! 
Ông Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý thị trường giá cả (Bộ Tài chính): 
Theo tôi, không nên quy định lợi nhuận định mức 300đ/lít trong cơ chế giá xăng dầu hiện hành, bởi DN dù không cần tiết giảm chi phí mà vẫn được hưởng phần lợi nhuận định mức này là không công bằng với người sử dụng. Theo tính toán, nếu DN cứ đều đặn nhập hàng, giá thế giới tăng nhưng vẫn hài hòa với giá cơ sở thì lợi nhuận của DN cũng sẽ khá ổn định. Theo tôi, Nghị định 84 sửa đổi tới đây, Nhà nước nên quy định giá trần để đảm bảo người dân không thiệt mà DN vẫn sống được. Khi đó, DN sẽ phải tìm cách tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh để đạt được lợi nhuận thay vì tìm cách tăng giá như hiện nay.
Ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 
Độc quyền là mầm mống của tăng giá. Việc giá thành hay lỗ lãi của các tập đoàn, TCty vừa qua tất nhiên là phải có cơ sở họ mới dám công bố. Tuy nhiên, việc công bố con số lỗ lãi cần do cơ quan chức năng thực hiện thì mới khách quan. Theo tôi, để có căn cứ xác thực về các con số lỗ lãi của các DN nhà nước, Nhà nước cần yêu cầu các DN này khi công bố kết quả tài chính phải được các cơ quan kiểm toán, hoặc các cơ quan chức năng thẩm định. Việc này rất quan trọng trong bối cảnh thị trường còn mang tính độc quyền chi phí, bởi độc quyền chính là mầm mống của những hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung